Nga tái sản xuất oanh tạc cơ Tu-22M3M sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với NATO

ANTD.VN - Viễn cảnh Nga tái sản xuất oanh tạc cơ Tu-22M3M cùng với Tu-160M đang khiến các quan chức quân sự NATO phải cảm thấy lo sợ.

Cùng với Tu-160M, đang xuất hiện nhiều dự đoán về việc Nga tái sản xuất oanh tạc cơ Tu-22M3M, nếu điều này xảy ra thì khối quân sự NATO sẽ có thêm lý do để cảm thấy lo lắng.

Hiện tại toàn bộ phi đội Tu-22M3 và cả một chiếc phiên bản hiện đại hóa thử nghiệm Tu-22M3M đều được biên chế cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thay vì Hàng không Hải quân Nga như trước kia.

Cần nhắc lại rằng trước khi có những cải cách gây tranh cãi của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov, máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 đã hình thành cơ sở của Lực lượng Hàng không Hải quân Nga.

Đây là những oanh tạc cơ tầm xa mang tên lửa siêu thanh sử dụng đôi cánh có khả năng thay đổi hình dạng. Ngoài ra Tu-22M3 tương thích tất cả các loại tên lửa hành trình phóng từ trên không: Kh-55, Kh-555, Kh-32, Kh-101/102, cũng như các tên lửa triển vọng - Kinzhal, GZUR và Kh-50.

Ngay cả trong thời kỳ Liên Xô, chiếc máy bay này đã được mệnh danh là "sát thủ của hàng không mẫu hạm", và thậm chí là "Kẻ tấn công châu Âu", khi nó đủ sức tiến hành những nhiệm vụ đột kích vào các mục tiêu ở Cựu lục địa.

Trên phiên bản Tu-22M3M, sự hiện diện của cần tiếp dầu giúp máy bay có thể tiếp nhiên liệu trên không, điều này trên thực tế đã biến nó thành một phương tiện chiến lược. Trước kia theo hiệp ước START, bộ phần này phải được tháo dỡ, nhưng chúng đã được trả lại cách đây vài năm.

Máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 là một nền tảng tuyệt vời cho nhu cầu của cả hàng không tầm xa và hàng không hải quân. Vấn đề là không còn nhiều chiếc đang phục vụ và việc sản xuất đã bị ngừng khá lâu.

Thậm chí gần đây Nga phải hoàn thiện 4 khung máy bay bị bỏ dở dang hàng thập kỷ ngoài trời tại khu vực của Nhà máy Hàng không Kazan để đưa chúng lên ngang tầm với tiêu chuẩn Tu-22M3M.

Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra, nếu như tại nước Nga, nhà máy Kazan có thể tiếp tục sản xuất Tu-160M/M2 "Thiên nga trắng", thì tại sao lại không làm điều tương tự với Tu-22M3M?

Ý tưởng này khá hấp dẫn, vì nó sẽ hoàn toàn đáp ứng tất cả các nhu cầu của Hàng không Tầm xa và Hàng không Hải quân, thúc đẩy “bàn tay vươn dài" của lực lượng tấn công.

Nếu Nga có vài trăm oanh tạc cơ mang tên lửa siêu thanh như vậy trong biên chế thay vì vài chục chiếc, được phân bổ đủ cho các hạm đội và trung đoàn của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, thì đây sẽ là một phản ứng thực sự ấn tượng đối với khối NATO.

Tuy nhiên việc tiếp tục sản xuất sẽ dừng lại trong trường hợp không có động cơ. Dây chuyền chế tạo Tu-22M và động cơ NK-25 cho nó - theo yêu cầu của người Mỹ, đã bị ngừng lại từ ​​lâu, toàn bộ thiết bị đã bị tháo dỡ.

Việc cải tạo các oanh tạc cơ hiện có phải được thực hiện bằng cách mua động cơ và linh kiện máy bay đã qua sử dụng từ Ukraine. Tuy nhiên việc tiếp tục sản xuất động cơ NK-25 lỗi thời khó có thể được coi là phù hợp.

Tuy vậy thay vì NK-25, việc lắp đặt cho Tu-22M3M phiên bản nâng cấp của động cơ NK-32-02, hiện được sử dụng trên Tu-160M2 nghe có vẻ khá triển vọng, điều này sẽ làm tăng đáng kể các đặc tính về hiệu suất phương tiện tác chiến này.

Nhưng việc lắp một động cơ mới hoàn toàn vào nền tảng cũ sẽ dẫn tới yêu cầu phải chỉnh sửa khung thân cho phù hợp, điều này có thể khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi vậy con đường trước mắt Nga vẫn còn khá chông gai.