Nga sẽ quyết định đà tăng hoặc giảm của giá dầu trong năm 2024?

ANTD.VN - Diễn biến giá dầu thế giới trong năm 2024 theo nhận xét sẽ phụ thuộc phần lớn vào những bước đi của Nga.

Giới quan sát cho rằng cả hai trạng thái cực đoan của giá dầu (lên quá cao hoặc xuống quá thấp) đều có thể dẫn tới thiệt hại cho nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo nhận xét từ giới chuyên gia, bất kể giá dầu thô quá cao hay quá thấp đều mang tới nguy cơ mất cân bằng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Vì vậy các nhà phân tích từ một số ngân hàng lớn của Mỹ đang tìm kiếm mọi tia hy vọng nhằm ổn định tình hình.

Diễn biến mới nhất cho thấy có vẻ như họ đã tìm thấy điều mà bản thân mong muốn, khả năng cao sẽ có tin tốt cho các nhà cung cấp dầu thô của Mỹ và Trung Đông, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào ý chí của Nga.

Theo dự đoán mới nhất được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra, vào năm tới giá dầu Brent có thể ở mức 85 - 90 USD/thùng, ít nhất là trong quý 2 năm 2024. Lý do chủ yếu nằm ở nhu cầu gia tăng ở châu Á và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do các cuộc xung đột khu vực.

Tất nhiên mức giá này không phải là đích ngắm cuối cùng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc Tổ chức OPEC+ khi họ mong muốn giá dầu trên 100 USD/thùng, nhưng dù sao đi nữa vẫn tốt hơn so với mức giá hiện nay.

Nhưng trái ngược với nhận định từ Goldman Sachs các nhà phân tích hàng hóa tại Citigroup lại kém lạc quan hơn. Dự báo của họ cho biết giá dầu sẽ không tăng đáng kể, đạt giá trị trong khoảng 75 - 80 USD/thùng.

Một yếu tố nữa đó là sản lượng dầu thô của Mỹ tăng đáng kinh ngạc và nhu cầu yếu tại châu Âu do suy thoái kinh tế và khủng hoảng công nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực lên mức giá.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định biến động như trên là do các nhà cung cấp Nga, khi họ tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt và đưa một khối lượng lớn dầu thô vào thị trường châu Á.

Thậm chí "đồng minh" của Nga trong Tổ chức OPEC+ là Saudi Arabia còn tin rằng những khó khăn hiện nay của họ bắt nguồn từ hoạt động của các công ty năng lượng Nga, khi đã chiếm lĩnh thị trường truyền thống của Riyadh.

Nếu như vài năm trước, trong thời điểm giá dầu sụt giảm do cuộc chiến giá cả lên đến đỉnh điểm, Riyadh vẫn có thể bù đắp suy giảm thu nhập bằng cách bán nhiều hơn thì hiện tại và trong tương lai gần, chiến lược của họ khó mà thực hiện được.

Giới quan sát cho rằng trên thực tế, hiện nay chỉ có các nhà xuất khẩu của Mỹ và Nga được hưởng lợi từ mức giá thấp, khi cả hai đều bán được nhiều dầu thô hơn, bù đắp cho mức giá giảm.

Với thực tế trên, số phận của cả các nhà sản xuất dầu khí Mỹ, cũng như đối tác thuộc OPEC+ đều nằm trong tay Nga, Moskva có thể tác động khiến giá tăng cao hoặc giảm đến mức rất thấp, vì chỉ Nga duy trì được biên lợi nhuận.

Trong khi đó, mong muốn cứu thị trường toàn cầu hay “kéo xuống đáy” của Nga sẽ chỉ phụ thuộc vào điều kiện địa chính trị, các chuyên gia phương Tây tin tưởng, tuy nhiên họ từ chối đưa ra dự báo chính xác hơn về viễn cảnh trên.

Nhưng có lẽ trước mắt, Nga sẽ cố gắng duy trì giá dầu ở mức 90 - 100 USD/thùng, bởi ngân sách nước này đang đối diện tình trạng thâm hụt do chi tiêu cho quốc phòng vượt xa mọi dự toán trước đó.