Nga rút đi, Mỹ ở lại, nhưng Syria chưa thể thoát khói lửa chiến tranh

ANTD.VN - Đích thân Tổng thống Putin đã có mặt tại chiến trường này, tuyên bố thắng trận và ra lệnh rút quân, trong khi Mỹ cho biết sẽ vẫn tiếp tục ở lại. Dù Nga rút đi, Mỹ ở lại thì bản chất cuộc nội chiến tại đây vẫn sẽ rất ác liệt.

Cuộc chiến tại Syria đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính người dân nước này, giờ đây nó đã biến thành cuộc chiến quốc tế, nơi các cường quốc cùng lao vào tranh giành ảnh hưởng.

Cả Mỹ và Nga đều muốn duy trì tầm ảnh hưởng tại đất nước Trung Đông vốn có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng này.

Để chống lại khủng bố IS theo lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, Nga và Mỹ đều đem quân vào chiến trường Syria.

Sau khi tung không quân để đánh phá các cứ điểm của IS, cả Mỹ và Nga đều triển khai bộ binh vào chiến trường này.

Mặc dù vậy, ban đầu cả hai cường quốc đều phủ nhận việc triển khai bộ binh tới đây. Họ chỉ thừa nhận hỗ trợ không quân để không kích tiêu diệt IS.

Trong khi Nga điều lực lượng đặc nhiệm giúp sức cho quân đội Syria, thì Mỹ lại đem đặc nhiệm để huấn luyện cho các cánh quân đối lập.

Ban đầu Mỹ ngầm huấn luyện cho lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) để chống lại tổng thống Assad.

Sau khi nhận thấy lực lượng này với thành phần ô hợp khó kiểm soát, có thể quay súng chống lại họ bất cứ lúc nào, Mỹ đã quyết định bỏ rơi FSA và dồn sức hỗ trợ cho lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Mỹ cũng xây dựng hẳn căn cứ quân sự lớn tại phía đông bắc Syria nhằm hỗ trợ SDF và tấn công khủng bố IS.

Ban đầu Mỹ chỉ thừa nhận có 500 binh sĩ được triển khai, nhưng mới đây họ đã cho biết có khoảng hơn 2.000 binh sĩ Mỹ đang hiện diện tại chiến trường này. Sau khi khủng bố IS bị đánh bại, phần lớn lính Mỹ đã rút đi, chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ.

Mỹ tuyên bố sẽ không rút bỏ hoàn toàn lực lượng tại đây, chừng nào chủ nghĩa khủng bố chưa bị tiêu diệt.

Trong khi đó, IS tuy bị đánh bại nhưng tàn binh của chúng vẫn còn hoạt động rải rác phía bắc Syria, mặt khác khủng bố HTS, chi nhánh của Al-Qaeda vẫn đang lớn mạnh, vì vậy sự hiện diện của Mỹ sẽ còn lâu dài.

Còn các nhà quan sát thì cho rằng, thực ra duy trì để tiêu diệt khủng bố là cái cớ, điều Mỹ muốn là tiếp tục duy trì ảnh hưởng bằng cách hỗ trợ lực lượng SDF trong cuộc chiến với tổng thống Assad.

Từ lâu ông Assad vẫn bị Mỹ và phương Tây coi là thể chế cần phải thay đổi tại Syria.

Chính phủ Assad lại có mối quan hệ mật thiết với Nga, điều này khiến Mỹ không mấy hài lòng.

Mỗi lần Nga hay quân đội Syria (SAA) tấn công vào lực lượng SDF đều bị Mỹ trả đũa bằng cách tấn công trực diện vào SAA.

Hiện nay Mỹ vẫn không ngừng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho SDF để trở thành lực lượng đối lập lớn nhất tại Syria.

Đại diện lực lượng SDF cũng thẳng thừng tuyên bố rằng hòa bình tại Syria chỉ có thể có được khi Tổng thống Assad bị hạ bệ.

Họ cũng tuyên bố sẵn sàng chống lại cả Nga nếu thấy cần thiết.

Về phần Nga, Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng, ra lệnh rút quân khỏi Syria. Tuyên bố được ông Putin đưa ra trong lần đầu tiên tới thăm căn cứ không quân Hmeymim tại Latakia, Syria vào hôm 11-12 vừa qua. 

"Tôi yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng bắt đầu thực hiện rút cụm quân sự Nga khỏi các vị trí triển khai thường trực", ông Putin phát biểu trước các quân nhân.

Giới quan sát nhận định, bước đi của ông Putin khá khôn ngoan trước việc Mỹ ngày càng duy trì tầm ảnh hưởng tại Syria.

Về cơ bản lệnh rút binh của Nga chỉ là rút bớt các khí tài chiến đấu không cần thiết ra khỏi Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc.

Nga vẫn duy trì tầm ảnh hưởng bằng hai căn cứ quân sự lớn nhất của mình tại đất nước Trung Đông này. 

Việc rút bớt khí tài là để hạn chế chi phí quá lớn mà Nga đang phải gánh chịu trong suốt thời gian qua kể từ khi nước này quyết định hỗ trợ tổng thống Assad.

Điều này cũng tương tự như việc Mỹ âm thầm rút bớt hàng nghìn quân số vào những tháng gần đây khi cuộc chiến chống khủng bố IS đã ngã ngũ.

Có thể trong thời gian tới, cuộc chiến tại Syria sẽ là cuộc giao đấu trực tiếp của những người dân nước này. 

Mỹ và Nga sẽ đứng ở vị trí cố vấn và cung cấp vũ khí như điều mà họ đã làm trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Hình ảnh binh sĩ đặc nhiệm Mỹ đang huấn luyện cho chiến binh người Syria thuộc lực lượng SDF.

Cả Mỹ và Nga đều hiểu rằng, việc họ trực tiếp đấu súng với nhau trên chiến trường Syria không phải là giải pháp tối ưu, cho dù hai nước đều nhận định tầm ảnh hưởng tại Syria sẽ có tác dụng rất lớn tới toàn khu vực Trung Đông.

Vì vậy dù Nga tuyên bố rút binh, Mỹ tuyên bố ở lại thì bản chất vấn đề tại chiến trường này vẫn không thay đổi.

Người Syria sẽ tiếp tục có nguy cơ chìm vào cuộc nội chiến, có khi còn tàn khốc hơn trước.