Nga, Mỹ bị đặt vào thế cờ bí từ 'kẻ đến sau' Thổ Nhĩ Kỳ tại chiến trường Syria

ANTD.VN - Rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria đang khiến Nga và Mỹ bị đặt vào một tình thế khó xử, một bên là mối quan hệ với Ankara, bên còn lại là các đồng minh của mình. Liệu họ sẽ có bước đi tiếp theo thế nào cho tình thế hiện tại?

Ngày 20-1, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành những cuộc không kích đầu tiên đánh vào chiến tuyến của lực lượng dân quân người Kurd (YPG), tại Syria. 

 

Được biết cuộc tấn công diễn ra tại khu vực Afrin, thuộc vùng nông thôn phía bắc Aleppo.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong một bài phát biểu tại tỉnh Anatolian tuyên bố rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) chống lại lực lượng dân quân người Kurd tại Afrin, phía bắc Aleppo.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ khiến cả Nga và Mỹ bất ngờ bị đặt trong một tình thế khó xử. Ankara liên kết với lực lượng quân đội Syria tự do (FSA), nhóm đối lập chính với quân đội Syria (SAA).

Trong khi đó mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đánh thẳng vào lực lượng dân quân người Kurd (YPG), đây vốn là đồng minh thân cận của Mỹ và họ đang chiếm thành phần chủ đạo trong lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Về phần chính quyền của tổng thống Assad đã lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, họ coi đó là một hành động xâm lược.

Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ đến sau nhưng lại đang khiến tất cả các bên tham chiến tại Syria lo ngại.

Hình ảnh pháo tự hành và xe tăng hạng nặng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào Syria.

Không những vậy, họ còn triển khai cả hệ thống tên lửa phòng không trên lãnh thổ Syria.

Ngay sau khi chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra, phản ứng của Mỹ và Nga khá yếu ớt.

Thậm chí trên một số chiến tuyến quân đội Nga còn bí mật rút lui để tránh căng thẳng trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần Mỹ vẫn chưa có tuyên bố chính thức cho dù họ đang hiện diện một lực lượng không quân lớn tại đây.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Haberturk hôm 23-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tin rằng, tương lai quan hệ giữa Ankara và Washington phụ thuộc vào các hành động tiếp theo và thái độ của Mỹ với người Kurd ở Syria.

''Chúng tôi không biết họ lấy dữ liệu ở đây, nhưng chúng tôi chỉ tin vào những gì chúng tôi thấy và trải qua. Tôi nói với ông ta rằng, nên kiểm tra nguồn tin của ông, thay vì nói với chúng tôi về vị trí của họ.

Tương lai quan hệ với Mỹ phụ thuộc vào các bước tiếp theo của Mỹ. Đối với tôi, tôi đang thực hiện những điều mà tôi nên làm, nếu không quốc gia của tôi sẽ gặp nguy hiểm. Chúng tôi sẽ không sợ ai: Nếu chúng tôi phải chết, chúng tôi sẽ chết, nhưng chúng tôi sẽ không sống trong sợ hãi'', ông Cavusoglu nhấn mạnh.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột trở nên xấu đi kể từ khi cuộc đảo chính tổng thống bất thành xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016.

Vào ngày 15-16 tháng 7 năm 2016, một nhóm trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Erdogan đã không thành công.

 Ít nhất 264 người đã bị giết chết trong số đó 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh chính phủ, 24 người đảo chính và hơn 1.390 người bị thương. 

Tại thủ đô Ankara tòa nhà Quốc hội và Dinh tổng thống đã bị ném bom trong khi cầu Bosphorus ở Istanbul bị lực lượng đảo chính phong tỏa.

Ngay sau khi vãn hồi tình hình Tổng thống Erdogan đã cáo buộc Mỹ đã nhúng tay vào cuộc đảo chính bất thành này. 

Tuy không đưa ra được bằng chứng và Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc trên nhưng mối quan hệ giữa hai nước đồng minh trong khối NATO đã rạn nứt sâu sắc.

Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn công khai đi ra ngoài truyền thống trang bị vũ khí của khối NATO khi họ quyết định mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga thay vì của Mỹ hoặc châu Âu.

Mỹ nhiều lần lên tiếng can ngăn nhưng bất thành khi cuối cùng hợp đồng mua S-400 cũng đã được thông qua đầu năm nay.

Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng hiểu rằng tình trạng quan hệ của họ chỉ xấu đi và dừng lại ở mức độ này bởi nếu đổ bể thì thiệt hại không phải của riêng ai.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chia sẻ những lợi ích cốt lõi trong khối NATO, mối quan hệ đối tác thương mại với Mỹ vẫn là ưu tiên trong các chiến lược ngoại giao của Ankara.

Vì vậy duy trì được mối quan hệ với Mỹ trong khi vẫn xây dựng đối tác thương mại lẫn quân sự với Nga được coi là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Ankara.

Hành động đem quân vào Syria đánh YPG của Thổ Nhĩ Kỳ có thể châm ngòi cho cuộc chiến khốc liệt với đồng minh Mỹ tại Syria là SDF.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hiện đang có 80% quân số là người Kurd, mới đây họ tuyên bố sẵn sàng điều quân để trợ giúp cho YPG.

Xét về tương quan lực lượng rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ có ưu thế hơn hẳn SDF, tuy nhiên SDF đang được Mỹ hậu thuẫn, Washington sau khi rời bỏ FSA đã dồn tất cả vào "canh bạc" SDF để duy trì ảnh hưởng tại Syria.

Tình cảnh hiện tại có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách tách bạch định nghĩa giữa YPG và SDF để lấy cớ tiêu diệt người Kurd, và điều này sẽ làm tổn hại đến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.

Mỹ đã từng tấn công vào quân đội Syria khi SAA không kích SDF, nhưng Washington sẽ khó lòng làm điều tương tự nếu Thổ Nhĩ Kỳ ra tay với SDF.

Hiện Mỹ chỉ có thể ngầm cung cấp vũ khí để người Kurd chống trả lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiến trường cho thấy sau khi có những bước tiến vũ bão, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng dân quân người Kurd.

Ở một khía cạnh khác Nga cũng đang bị đặt trong tình trạng khó xử. Thổ Nhĩ Kỳ đã kết hợp chặt chẽ với FSA vốn là kẻ thù của quân đội Syria để tiến đánh người Kurd.

Ngoài cung cấp vũ khí hiện đại cho lực lượng này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn sát cánh với "anh em" FSA. 

Là đồng minh thân cận và đang bảo vệ cho SAA, Nga không khỏi lo lắng nếu đột nhiên liên quân Thổ Nhĩ Kỳ-FSA quay sang tấn công vào quân đội Syria.

Với sức mạnh hiện tại liên quân này có thể đè bẹp nhanh chóng quân đội Syria trên chiến trường.

Nga luôn coi trọng sự sống còn của chính phủ Tổng thống Assad là lợi ích cốt lõi của mình.

Nếu chính quyền của hiện tại Syria sụp đổ, đồng nghĩa với lợi ích cốt lõi của Nga bị mất, không những vậy hàng tỷ đô chiến phí dồn vào chiến trường Syria từ năm 2015 cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Điều trớ trêu là Nga lại đang muốn kéo mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lên một nấc thang mới.

Sẵn sàng bán hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng mối quan hệ nồng thắm, từng bước tạo ra bất ổn trong NATO là một bước đi khôn ngoan của Nga.

Đưa hệ thống phòng không hiện đại vào khối NATO, sẽ tạo cho Nga nhiều cái lợi hơn cả một mối lo có thể bị tổ chức này khám phá bí mật của S-400.

Cái lợi thứ nhất dù muốn dù không NATO cũng sẽ phải chia sẻ một phần dữ liệu kết nối phòng không, việc tích hợp vào S-400 vốn của Nga sẽ giúp Moscow có thể hiểu biết và phá mã về những hệ thống phòng thủ đang bố trí dày đặc khắp châu Âu.

Nếu NATO không đồng ý tích hợp cho S-400 vào mạng lưới hệ thống phòng thủ chắc chắn sẽ gây ra những xung đột về lợi ích của các quốc gia thành viên, ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ tạo ra những bất ổn ngay từ trong lòng khối quân sự lớn nhất thế giới này, vì thế rất có lợi cho Nga.

Điều lợi kế tiếp khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga vừa quảng bá được tính năng vũ khí giúp đẩy mạnh xuất khẩu và thu về ngoại tệ lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga vốn thừa sản phẩm nhưng thiếu thị trường.

Mặt khác Nga cũng sẵn lòng bỏ qua vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 để đổi lấy mối quan hệ nồng thắm, từng bước tiến tới lôi kéo các thành viên NATO khác. Nếu NATO suy yếu sẽ là cơ hội lớn cho Nga trên nhiều mặt trận.

Có thể nói dù rất lo ngại nhưng Nga vẫn tạm để cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào sâu lãnh thổ Syria và liên kết với kẻ thù FSA.

Hơn nữa việc Ankara tấn công vào người Kurd sẽ làm cho các lực lượng đối lập tại Syria suy yếu, vô tình sẽ giúp ích cho liên minh Nga-Syria.

Cả Nga và Mỹ đều chưa có hướng cụ thể để đối phó với tình thế hiện tại trên chiến trường khi có sự xuất hiện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy là "kẻ đến sau" nhưng lại đặt những "ông lớn" vào thế đã rồi trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Sau khi công phá thành công tại Idlid, liên quân Nga-Syria vẫn đang án binh bất động trước hành động giao tranh giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến trường Syria sẽ rất khó phân định trong những ngày tới.