Nga, Mỹ bất ngờ khi IS xung đột dữ dội với Al-Qaeda và giành chiến thắng tại Syria

ANTD.VN - Khủng bố IS vừa chiếm hàng loạt căn cứ quan trọng của khủng bố HTS (Al-Qaeda) tại Hama. Việc bất ngờ hồi phục sức mạnh của tổ chức khủng bố khét tiếng này khiến giới quan sát lo ngại tình hình chiến sự tại Syria sẽ còn căng thẳng kéo dài.

Ngày 08-12, diễn biến phức tạp trên khu vực chiến trường Hama – Idlib, Syria khi khủng bố IS đột nhiên hồi phục sức mạnh và lao vào tấn công, đánh chiếm hàng loạt căn cứ quan trọng của tổ chức khủng bố HTS.

Trong hình là Ayman al-Zawahiri (trái), người kế nhiệm nắm giữ chiếc ghế thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị quân đội Mỹ tiêu diệt và Abu Bakr al-Baghdadi (phải) thủ lĩnh của khủng bố IS.

Hiện tại, khủng bố IS đã mở rộng địa bàn khi đánh chiếm thành công được hơn 30 khu dân cư trong khu vực từ tay khủng bố HTS trước đây.

Khủng bố IS đang nuôi tham vọng đánh sập HTS và cùng với các nhóm thánh chiến khác để hình thành một lãnh địa mới trên vùng tây bắc Syria.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại nặng nề trên hướng đông Syria, IS quyết định chuyển mũi tấn công sang hướng tây Syria bao gồm vực Hama – Idib – Aleppo.

Để tránh bị tiêu diệt quá sớm bởi không quân Nga, IS không tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào vào quân đội Syria mà chỉ đẩy mạnh tiến công về hướng tỉnh Idlib, nơi khủng bố HTS đang chiếm đóng.

Với hàng loạt khu dân cư vừa bị chiếm đóng, IS đã kiểm soát được khoảng 85 km2 vùng nông thôn tại các tỉnh này. 

Để kích động tinh thần chiến đấu cực đoan và lôi kéo các tay súng từ HTS và FSA, IS thực hiện một cuộc hành quyết man rợ, sát hại khoảng 50 tay súng thánh chiến của FSA và HTS chỉ trong 2 ngày qua.

Bằng các cuộc tấn công hiệu quả và những cuộc hành quyết man rợ, IS hy vọng sẽ hình thành một Nhà nước Hồi giáo mới ở Hama – Idlib – Alppo. 

Khủng bố IS đang nhằm vào việc thu thập các nhóm thánh chiến cực đoan thuộc Quân đội Syria tự do (FSA), có cơ sở hậu cần kỹ thuật lớn do Mỹ và đồng minh phương Tây cung cấp. 

Có được lực lượng này, IS có thể phát triển ở Syria và lan sang các khu vực khác, trong đó Lebanon là vùng lãnh thổ mà IS quan tâm nhiều nhất.

Nguy cơ hình thành một IS mới ở tỉnh Idlib buộc quân đội Syria phải nhanh chóng tấn công trên vùng bắc Hama, tây Aleppo và đánh sâu vào Idlib.

Chiến lược đối phó này nhằm đánh tan liên minh quân sự HTS – FSA. Đồng thời ngăn chặn, phong tỏa IS trong khu vực bắc Hama để tiêu diệt. 

Trong tình huống ngược lại, khi các tổ chức này đứng dưới cờ của IS, cuộc chiến sẽ bị kéo dài và trở nên vô cùng nguy hiểm do có một số khu vực quân đội Syria khó tiếp cận như cao nguyên Golan được kiểm soát bởi Israel và Lebanon. 

Hiện tại giao tranh dữ dội tại Hama giữa IS và HTS vẫn đang diễn ra dữ dội. Cuộc xung đột đã khiến cả hai bên thiệt hại nặng nề.

Từng cùng thuộc mạng lưới Al-Qaeda, hai nhóm này đường ai nấy đi do khác biệt trong chiến lược tại Syria. IS sau đó nổi lên là tổ chức mạnh mẽ và nổi bật nhất trong cộng đồng Hồi giáo cực đoan, châm ngòi cho sự cạnh tranh trong chiêu mộ chiến binh, tiền tài trợ và thanh thế.

16 năm trước, al-Qaeda đã khiến cả thế giới chấn động, khi thực hiện các vụ tấn công táo tợn nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Nhóm này sau đó còn khiến Mỹ và đồng minh bẽ bàng với một loạt các cuộc tấn công và nổi dậy tại nhiều mặt trận khắp thế giới.

Tuy nhiên các cuộc truy sát của Mỹ và phương Tây khiến Al-Qaeda dần bị yếu thế trước IS. Ayman al-Zawahiri, người kế nhiệm nắm giữ chiếc ghế thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi Osama bin Laden đã công khai chỉ trích thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi là "kẻ nổi loạn" đồng thời tuyên chiến chống lại IS.

Tại Syria, HTS chính là chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, địa bàn chính của nhóm này nằm tại Hama. Sự cạnh tranh giữa hai nhóm này đã dẫn tới những những trận giao tranh ác liệt.

Với cả al-Qaeda và IS, sát hại dân thường là một chiến thuật và chiến lược, nhưng chúng lại bất đồng về mức độ đẫm máu.

Trong các cuộc đối đầu với lực lượng Mỹ tại Iraq, kẻ cầm đầu Al-Qaeda khi đó, Abu Musab al-Zarqawi (ảnh), đã chỉ đạo một chiến dịch đánh bom tự sát đẫm máu, với mục tiêu là quân đội Mỹ và cả dân thường Iraq, bao gồm người Hồi giáo, nhất là người Shiite.

Nhóm này xem người Shiite là những đối thủ cạnh tranh quyền lực tại Iraq, đồng thời cũng là những kẻ bội đạo đáng phải chết, theo một tư tưởng cực đoan được gọi là takfir.

Tuy nhiên thủ lĩnh tối cao của al-Qaeda, Ayman al-Zawahri (ngồi bên trái cạnh Osama bin Laden), đã can thiệp và lên tiếng kêu gọi các chi nhánh tránh giết người hàng loạt, với khẳng định việc này làm hoen ố phong trào và gây trở ngại cho hoạt động chiêu mộ thành viên.

Sự khác biệt giữa hai nhóm không chỉ nằm ở mục tiêu cuối cùng mà nằm phần nhiều ở cách thức đạt được nó và theo trình tự nào.

Al-Qaeda về cơ bản muốn hòa mình vào các phong trào địa phương, và giúp những kẻ đó tấn công những "kẻ thù phương xa" tại phương Tây. 

IS thì muốn lập ra và lãnh đạo một "nhà nước Hồi giáo", và giành lấy quyền lực từ tuyên bố về sự chính thống đó.

Với sự man rợ và chiến thuật tấn công liều chết, khủng bố IS đã có thời phát triển cực thịnh khi chúng chiếm giữ 2/3 lãnh thổ Iraq và 1/5 lãnh thổ Syria.

Quân số của chúng lúc lên tới hơn 100.000 quân. Sau những trận càn quét của không quân Nga, sự trỗi dậy của quân đội Syria và các đòn không kích hủy diệt của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, IS về cơ bản đã bị tiêu diệt. Chúng hiện không còn kiểm soát bất cứ thành phố lớn nào tại Syria.

Tuy nhiên việc bất ngờ hồi phục sức mạnh của tổ chức khủng bố khét tiếng này khiến giới quan sát lo ngại tình hình chiến sự tại Syria sẽ còn căng thẳng kéo dài.