Nga lập đội tàu ngầm nguyên tử mang ngư lôi hạt nhân tạo 'sóng thần phóng xạ'

ANTD.VN - Nga vừa quyết định lập đội tàu ngầm nguyên tử trang bị siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon, loại siêu vũ khí có khả năng tạo "sóng thần phóng xạ".
Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định thành lập đơn vị tàu ngầm nguyên tử làm nhiệm vụ đặc biệt tại bán đảo Kamchatka. Dự kiến kực lượng này sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Được biết, bán đảo Kamchatka nằm ở khu vực Viễn Đông Nga, giáp với Thái Bình Dương và biển Okhotsk.
Nguồn tin giấu tên tuần trước tiết lộ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng để đặt căn cứ tàu ngầm đặc biệt ở Kamchatka dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon sẽ được trang bị cho tàu ngầm Belgorod và Khabarovsk để thực hiện nhiệm vụ "răn đe chiến lược".
"Tàu ngầm hạt nhân làm nhiệm vụ đặc biệt" là cụm từ được Nga sử dụng để mô tả các tàu ngầm chuyên mang siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon.

Đây là một trong những "siêu vũ khí" được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tháng 3/2018.

Hiện tàu ngầm nguyên tử Belgorod chuyên mang siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon đã được bàn giao cho hải quân Nga vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, ngư lôi hạt nhân Poseidon đã được truyền thông nhà nước và các nhà lãnh đạo Nga giới thiệu như một siêu vũ khí thực thụ.
Nga vẫn chưa tiết lộ chi tiết về ngư lôi hạt nhân Poseidon, nhưng thông tin ban đầu có được thì loại ngư lôi này dài khoảng 25m, đường kính khoảng 2m, mang theo đầu đạn hạt nhân công suất lớn.
Poseidon có thể di chuyển tự động ở tốc độ 56 hải lý/giờ và độ sâu tối đa 1.000m.
Trên lý thuyết, điều này sẽ giúp Poseidon gần như không thể bị đánh chặn khi nó nhắm mục tiêu là một thành phố ven biển .
Thậm chí vũ khí này còn được cho là nguy hiểm hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nga lần đầu tiên ám chỉ về sự tồn tại của Poseidon khi cố ý "rò rỉ" một trang có sơ đồ và thông số kỹ thuật của nó trên kênh truyền hình nhà nước NTV.
Vũ khí này đã được Lầu Năm Góc xác nhận vào năm 2016, và kể từ đó Poseidon đã được thử nghiệm định kỳ.
Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tuyên bố rằng Nga có khả năng triển khai đã Poseidon cùng với tàu ngầm Belgorod vào năm 2022, trùng khớp với mốc thời gian mà Moscow đưa ra trước đó.
Tuy nhiên thông tin tình báo trước đó của Mỹ lại cho rằng ngư lôi hạt nhân này sẽ không được triển khai cho đến năm 2027.
Truyền thông Nga gọi Poseidon là "ngày tận thế" vì nó có khả năng san phẳng một thành phố bằng "một cơn sóng thần hạt nhân" khi nó được phóng ra.
Đầu đạn của nó có khả năng tạo ra một vụ nổ có sức công phá 2 megaton, tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Poseidon có thể di chuyển với tốc độ cao dưới nước nhờ hệ thống lò phản ứng hạt nhân.
Con số này ước tính vào khoảng gần 130km/h, nhanh gấp đôi tốc độ của hầu hết các tàu mặt nước.




Truyền thông Nga cho rằng, ngư lôi hạt nhân Poseidon đủ khả năng để tiêu diệt căn cứ hải quân hay nhóm tác chiến tàu sân bay của đối thủ bằng một đòn đánh duy nhất.

Ngư lôi hạt nhân Poseidon có thể tiếp cận lãnh thổ đối phương ở độ sâu lớn, cũng như tăng tốc để cắt đuôi khi bị phát hiện.

Sau đó quay trở lại chế độ di chuyển bí mật với tốc độ thấp, nhằm tung đòn bất ngờ phá hủy cơ sở quân sự, nhóm tàu sân bay và các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Nga còn tuyên bố ngư lôi hạt nhân Poseidon có tầm hoạt động không giới hạn nhờ trang bị một động cơ hạt nhân cỡ nhỏ.

Khi được kích nổ ở vùng biển ngoài khơi, Poseidon có thể tạo ra một trận sóng thần lớn tàn phá mọi công trình, nhà cửa vùng duyên hải đối phương.

Nước biển nhiễm xạ từ vụ nổ hạt nhân của Poseidon cũng sẽ biến khu vực bị ảnh hưởng thành "vùng đất chết" trong thời gian dài.