Nga không tìm cách thành siêu cường

ANTĐ - Dù nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, song Tổng thống Vladimir Putin vẫn khẳng định tiếp tục theo đuổi các mục tiêu lớn mà ông đã đặt ra trong nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 6 năm bắt đầu từ năm 2012.

Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang năm 2013
trước các quan khách cấp cao trong Điện Kremli

Thông điệp liên bang năm 2013 của Tổng thống Putin không những được người dân Nga mà cả thế giới đón chờ bởi đây là thông điệp liên bang thứ 10 của ông trên cương vị Tổng thống Nga và là thông điệp liên bang thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới. Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh nước Nga đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn trong nước.

Cách đây 1 năm, tại thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba, ông Putin đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong cả nhiệm kỳ 6 năm của mình. Đáng chú ý là mục tiêu đạt mức tăng tối thiểu 6% GDP/năm và phát triển các ngành, các lĩnh vực có sức cạnh tranh trên mọi thị trường để hoàn thành được nhiệm vụ phát triển kinh tế hiện đại và không ngừng nâng cao mức sống mọi mặt của người dân.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên của lần thứ 2 trở lại Điện Kremli, Tổng thống Putin phải đối mặt với thực tế là nền kinh tế Nga, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, đang phải gánh chịu nhiều khó khăn. GDP của nước Nga năm nay chỉ có thể tăng trưởng 1,4%, thấp xa so với mục tiêu. Nhìn về dài hạn, theo Bộ trưởng Kinh tế Nga, nền kinh tế cũng chỉ tăng trưởng trung bình 2,5%/năm từ nay tới năm 2030.

Trong thông điệp được truyền hình trực tiếp vào 12h ngày 12-12, Tổng thống Putin đã lần đầu tiên thừa nhận nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, tăng trưởng chậm… song khẳng định không từ bỏ các mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ thứ 3. Ông khẳng định trước các quan chức cấp cao nhất của Nga: “Có thể chu kỳ kinh tế đang thay đổi nhưng không có lý do gì để nói đến việc sửa đổi các mục tiêu của chúng ta”.

Trình bày thông điệp liên bang đúng vào ngày Hiến pháp Nga (12-12), đồng thời đang có những đề nghị sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Putin đã nêu khả năng có “những sửa đổi nhỏ trong Hiến pháp Nga”. Khẳng định các quy định về quyền lợi và tự do cá nhân không thể thay đổi, song người đứng đầu nước Nga cho biết sẽ  “điều chỉnh nhỏ cho các chương điểm khác của Hiến pháp”.

Về chính sách đối ngoại của nước Nga, Tổng thống Putin tái khẳng định lập trường với những vấn đề quốc tế lớn và nóng bỏng nhất hiện nay. Ông nhấn mạnh tới việc tăng cường sức mạnh trên trường quốc tế của đất nước, song nêu rõ Nga không tìm cách trở thành một siêu cường “mang một tham vọng làm bá chủ khu vực và thế giới” hay “lên mặt dạy đời người khác”, điều mà giới bình luận quốc tế cho là “một lời chỉ trích úp mở nhằm vào Mỹ”. Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập chính sách “khôn ngoan và hợp lý” giúp ngăn ngừa chiến tranh ở Syria; mong muốn một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine...

Dịp này, Tổng thống Putin cũng một lần nữa khẳng định lại ưu tiên hàng đầu của Nga để phát triển trong tương lai sẽ vẫn là ở phía Đông, nơi mà 70% diện tích nước Nga nằm ở châu Á. Ông nhấn mạnh: “Cần dồn các nguồn lực của cả nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vào việc phát triển và đạt được các mục tiêu chiến lược, như phát triển vùng Siberia và Viễn Đông. Đây là ưu tiên quốc gia của chúng ta trong cả thế kỷ 21”.