Nga đủ khả năng biến mọi thiết giáp thành robot chiến trường

ANTD.VN - Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga cho biết họ đã làm chủ công nghệ biến thiết giáp hạng nặng thành robot chiến trường.

Đại diện Tập đoàn Rostec cho biết, những kinh nghiệm được phát triển trong thực tế giúp họ có thể nâng cấp bất kỳ loại xe thiết giáp nào trở thành robot chiến trường.

Giám đốc công nghiệp Cụm vũ khí, đạn dược và hóa chất đặc biệt của Rostec - ông Bekhan Ozdoev cho biết, các doanh nghiệp trực thuộc đang tích cực sử dụng kinh nghiệm từ hoạt động tác chiến và đưa công nghệ không người lái vào nhiều loại thiết bị quân sự.

"Chúng tôi có năng lực nghiêm túc để phát triển hệ thống phần mềm và phần cứng cho phép biến bất kỳ xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hoặc xe bọc thép chở quân nào thành robot điều khiển từ xa".

"Ví dụ phần cứng và phần mềm Prometheus do Tổ hợp có độ chính xác cao phát triển, nếu kết hợp nó với các hệ thống điều khiển hỏa lực đầy hứa hẹn, sẽ có được một robot chiến đấu theo đúng nghĩa của từ này", ông Ozdoev phát biểu trên kênh telegram của Rostec.

"Hiện tại, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Uralvagonzavod được đặt theo tên của F. E. Dzerzhinsky chính là đơn vị thực hiện chính công việc phát triển robot chiến đấu Sturm".

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập Tạp chí Kho Vũ khí của tổ quốc đã thông báo điều này trên kênh Telegram của mình, đồng thời cung cấp một số chi tiết về những gì đang diễn ra.

Ông Murakhovsky lưu ý xe tăng T-72 rẻ tiền, đáng tin cậy, được bảo vệ tốt và cơ động cao đã được chọn làm nền tảng cho các hệ thống robot hạng nặng khi chúng có thể mang nhiều vũ khí khác nhau, cũng như thực hiện chức năng của một trung tâm điều khiển di động.

"Dựa trên kết quả nghiên cứu, các kỹ sư cho rằng nên sử dụng những loại vũ khí đã được chứng minh (RPO-2 Shmel-M, pháo tự động 30 mm, bệ phóng đạn nhiệt áp 220 mm từ TOS-1A Solntsepek), để tạo ra phương tiện mang pháo rút ngắn dựa trên loại 2A46 125 mm".

"Hệ thống điều khiển hỏa lực được tạo ra dựa trên cơ sở các phương án đã chứng minh tốt năng lực trên xe tăng T-90M Proryv và những yếu tố mới của T-14 Armata, có thể nhận biết nhiều loại mục tiêu khác nhau và giải quyết một cách độc lập nhiệm vụ", vị chuyên gia nói rõ.

Hệ thống điều khiển chuyển động từ xa của robot chiến trường mới sẽ có cả hai thành phần đã được thử nghiệm trên các phương tiện khác và các mẫu tương lai sẽ sớm xuất hiện.

Để đảm bảo khả năng di chuyển tự động, việc bố trí các tuyến đường, đánh giá khả năng vượt qua địa hình và các chướng ngại vật khác nhau, bao gồm cả công sự, cần có nhiều riêng biệt (siêu âm, hình ảnh và hồng ngoại).

Ngoài ra robot chiến đấu còn yêu cầu hệ thống thị giác kỹ thuật toàn diện ở mọi góc độ và tích hợp trí tuệ nhân tạo dựa trên mạng lưới thần kinh được huấn luyện, có thể đánh giá đầy đủ tình hình chiến trường và đưa ra quyết định cần thiết tại thời điểm đó.

Vị chuyên gia nói thêm rằng theo các giả định hiện có, robot chiến đấu như vậy sẽ trở thành một trong những trang thiết bị cho lực lượng mặt đất của Nga. Có thể các đại đội robot sẽ xuất hiện trong các trung đoàn, bao gồm cả thành phần chiến đấu và hỗ trợ.

Theo ông Murakhovsky, sự thay đổi trong cơ cấu quân đội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa robot vào thực tiễn chiến trường, tích hợp vào các đội hình chiến đấu và phát triển phương án tiến hành hoạt động chiến đấu thông qua việc sử dụng những tổ hợp này.