Nga dọa triển khai tên lửa tầm xa khiến châu Âu ‘lạnh gáy’

ANTD.VN -  Phương Tây đang rất lo ngại sau khi Nga dọa triển khai tên lửa tầm xa tại châu Âu. Được biết Moscow đã cảnh báo có thể đặt tên lửa hạt nhân tầm xa ở lãnh thổ châu lục này để đối phó động thái tương tự của NATO.

Nga dọa triển khai tên lửa tầm xa tại châu Âu đang khiến Mỹ và phương Tây đặc biệt lo ngại. Động thái cảnh báo của Nga bất ngờ được đưa ra sau khi NATO trợ giúp Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo nước này có thể phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia thỏa thuận về lực lượng tên lửa tầm xa tại châu Âu.

"Không có tiến triển về giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ buộc Nga đáp trả bằng biện pháp quân sự. Đó sẽ là một cuộc đối đầu", ông nói.

Thứ trưởng Ryabkov so sánh căng thẳng hiện nay với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự kiện đẩy Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Ông nhấn mạnh "có những dấu hiệu gián tiếp cho thấy NATO đang thúc đẩy tái triển khai tên lửa tầm xa tại châu Âu".

Thứ trưởng Ryabkov cũng lo ngại việc Mỹ khôi phục hoạt động Bộ chỉ huy Pháo binh số 56 từng vận hành tên lửa hạt nhân Pershing thời Chiến tranh Lạnh.

NATO từng khẳng định Mỹ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó Nga bằng những biện pháp chỉ sử dụng vũ khí thông thường.
Dù vậy, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng Nga "hoàn toàn thiếu niềm tin" vào liên minh quân sự này.
"Họ không cho phép bản thân làm điều gì đó giúp bảo đảm an ninh cho Nga. Họ tin rằng có thể hành động theo yêu cầu và lợi thế của mình và chúng tôi phải chấp nhận điều đó. Chuyện này sẽ không được tiếp diễn", ông nói.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 cấm hai bên triển khai tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km tại châu Âu.
Washington rút khỏi thỏa thuận năm 2019 sau khi cáo buộc Moskva vi phạm điều khoản bằng cách phát triển tên lửa hành trình 9M729.
Tên lửa 9M729 là phiên bản mới hơn của tên lửa 9M728 – một loại tên lửa được trang bị cho hệ thống Iskander-M. Loại tên lửa này được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg.
Chúng được trang bị một hệ thống điều khiển giúp đạt độ chính xác cao hơn. Tầm bắn tối đa của tên lửa 9M729 theo Nga công bố là 480km. Ngoài đầu đạn thường còn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trước cáo buộc của Mỹ, Nga đã cho “trình làng” tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này trong một nỗ lực nhằm giải tỏa nỗi quan ngại của phương Tây, mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giữ lại hiệp ước INF.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đều không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga.
Diễn biến này khiến người ta lo ngại Nga và Mỹ sẽ không thể tháo gỡ được cuộc đối đầu xung quanh tên lửa 9M729 để giữ lại hiệp ước INF.
INF ra đời để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Liên Xô nhắm vào các thủ đô các nước phương Tây và ngược lại.
Hiệp ước INF được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa và tiếp tục thực hiện cam kết trong hiệp ước này. Hai nước đồng thời cũng liên tục gia hạn INF. Sự việc chỉ ngưng lại khi xuất hiện tên lửa 9M729.
Cả Nga và Mỹ đều hiểu rằng, nếu INF sụp đổ sẽ không có lợi cho cả đôi bên. Nếu không nhanh chóng tìm được tiếng nói chung thì cả hai cường quốc sẽ dần yếu thế, tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và khẳng định quyền lực của mình trước thế giới.
Một số chuyên gia cho rằng nếu Nga triển khai tên lửa ở phần lãnh thổ châu Âu nằm phía tây dãy núi Ural, có thể là lời cảnh báo của Moscow và tín hiệu cuối cùng cho thấy NATO nên đối thoại về thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.

Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine đang leo thang. Kiev cùng Washington và các đồng minh nhiều tuần qua cáo buộc Moscow tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

Nga mô tả cáo buộc của phương Tây là "cuồng loạn", nói rằng Mỹ cùng các đồng minh đang có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen.

Moscow khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.