Nga cấp tốc sản xuất pháo tự hành Malva để tăng cường cho chiến sự

ANTD.VN - Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng đáng kể sản lượng pháo tự hành Malva nhằm đáp ứng yêu cầu từ tiền tuyến.

Một bức ảnh mới được báo chí Nga đăng tải đã cho thấy 8 khẩu pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva vừa rời nhà máy lắp ráp đã ngay lập tức lên tàu ra tiền tuyến.

Trong đoạn video ghi lại cách đây một tháng rưỡi có thể thấy hoạt động sản xuất pháo tự hành bánh lốp ở Liên bang Nga đang phát triển mạnh và lô 2S43 Malva nói trên là minh chứng rõ nét.

Ngoài ra trong bức ảnh trên dễ nhận thấy còn có cả hệ thống 2S44 Giatsint-K có cùng khung gầm và nhiều chi tiết được thống nhất với Malva. Khung gầm BAZ-6910-011 (BAZ-6910) dành cho các tổ hợp pháo tự hành này được sản xuất bởi Nhà máy ô tô Bryansk.

Nhờ khung gầm bánh lốp và thiết kế đơn giản của hệ thống pháo binh, việc sản xuất các tổ hợp nói trên sẽ nhanh hơn so với loại dùng khung gầm bánh xích.

Việc phát triển pháo tự hành Malva bắt đầu tại Viện nghiên cứu trung ương Burevestnik vào những năm 2010 như một phần của dự án có tên gọi "Nabrosok", cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào năm 2020.

Quá trình sản xuất pháo tự hành mà không cần thêm lớp giáp bảo vệ hoặc tháp pháo giúp giảm trọng lượng. Với cơ số đạn là 30 viên, 2S43 Malva chỉ nặng 32 tấn, nhẹ hơn 25% so với 2S19 Msta-S dùng khung gầm bánh xích.

"Pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các binh sĩ Nga sau thời gian phục vụ ngoài chiến trường", Giám đốc công nghiệp bộ phận vũ khí, đạn và hóa chất đặc biệt của Tập đoàn Rostec - ông Bekhan Ozdoev cho biết.

Đại diện tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga nói rõ, pháo tự hành Malva đã xuất hiện trên chiến trường Ukraine kể từ năm ngoái, khi việc bàn giao hàng loạt vũ khí này cho Quân đội Nga được triển khai.

Trong thời gian kể trên, hệ thống pháo tự hành bánh lốp thế hệ mới đã khẳng định được đặc tính kỹ chiến thuật và nhận về nhiều lời đánh giá tích cực từ phía các binh sĩ.

Đặc điểm nổi bật của Malva đó là khung gầm xe tải việt dã bánh lốp cho phép hệ thống pháo binh này di chuyển nhanh chóng, chiếm giữ vị trí bắn và gấp rút rời đi để tránh bị phản kích.

Khung xe tải có dự trữ nhiên liệu cho tầm hoạt động lên tới 1.000 km, khả năng vượt qua các dạng địa hình phức tạp rất tốt và còn có thể được vận tải đường không bằng máy bay vận tải quân sự Il-76.

"Trên chiến trường Ukraine, pháo tự hành Malva đã khẳng định được đặc điểm nổi trội và có màn thể hiện thành công. Nhờ khung gầm bánh lốp, xe có thể nhanh chóng quay đầu vào vị trí bắn và rời đi để tránh bị phản kích".

"Điều này rất quan trọng để tránh bị đối phương đáp trả, Malva rõ ràng cơ động hơn so với các loại pháo tự hành bánh xích, ngoài ra nó có nguồn lực kỹ thuật lớn hơn và chi phí vận hành thấp khi ít hỏng hóc", ông Ozdoev nhấn mạnh.

Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi từ nhà sản xuất và binh sĩ Nga, nhưng theo các chuyên gia quân sự độc lập, pháo tự hành Malva vẫn còn tồn tại một số nhược điểm đáng kể.

Điển hình như trọng lượng ở mức 32 tấn bị xem là khá nặng nề, kích thước của tổ hợp cũng khá cồng kềnh, trong khi so sánh về đặc tính chiến đấu thì lại kém xa các sản phẩm cùng loại do phương Tây chế tạo.

Ví dụ như tầm bắn hiệu quả của pháo chính 2A64 chỉ đạt 20 km, có thể tăng thêm ngoài 30 km nếu sử dụng đạn tăng tầm, trong khi con số tương tự với pháo tự hành phương Tây cỡ 155 mm thường là 40 km.

Mức độ tự động hóa, uy lực từng phát bắn hay độ chính xác cũng là vấn đề mà Nga cần phải khắc phục trong tương lai mới khiến hệ thống pháo binh của mình đủ sức đối đầu CAESAR, Archer, hay thậm chí là 2S22 Bogdana một cách sòng phẳng.