Nga cảnh báo tái sản xuất tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF

ANTD.VN - Nga có thể tái sản xuất tên lửa tầm trung triển khai trên mặt đất, tức là vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF.

Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự cần thiết phải bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung khi Hiệp ước INF không còn hiệu lực đã thu hút sự quan tâm lớn từ truyền thông quốc tế.

Bước đi trên được xem là phản ứng trước hành động của Mỹ mà theo giới lãnh đạo Nga đó là đã là làm đảo lộn cán cân quyền lực và đe dọa an ninh toàn cầu.

Nhưng việc phát triển và tiến tới sản xuất những loại vũ khí như vậy đòi hỏi nhiều nỗ lực đi kèm kinh phí đáng kể, tuy vậy nếu quyết tâm Nga hoàn toàn đủ khả năng thực hiện.

Cần nhắc lại, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) được ký kết năm 1987, bất chấp đây là một trong những trụ cột cho sự ổn định chiến lược giữa Moskva và Washington.

Hiệp ước INF cấm phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Việc INF bị hủy bỏ vào năm 2019 đã dẫn đến những thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu.

Điện Kremlin cáo buộc hành động hủy bỏ INF của Mỹ và tiến tới phát triển cũng như thử nghiệm những hệ thống tên lửa mới, điển hình như tổ hợp Typhon chính là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia.

Trước chỉ trích dữ dội từ Moskva, Washington biện minh cho hành động của mình đó là đề phòng mối đe dọa từ các quốc gia không tham gia Hiệp ước INF như Trung Quốc và Triều Tiên.

Mặc dù vậy Nga không chấp nhận, đồng thời coi đây là nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố lợi thế chiến lược và tạo đòn bẩy mới để gây áp lực lên Nga cũng như các đồng minh của họ.

Để đối phó với thách thức này, Tổng thống Putin cho rằng cần sớm sản xuất các hệ thống vũ khí tấn công nằm ngoài giới hạn của Hiệp ước INF nhằm đáp trả hành động của Mỹ và tăng cường khả năng răn đe của Nga.

Bước đi trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng chiến lược cũng như sẵn sàng ứng phó với những thay đổi trong môi trường quốc tế đầy phức tạp hiện nay.

Việc phát triển và sản xuất tên lửa tầm trung thế hệ mới đòi hỏi nỗ lực lớn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm khoa học, công nghệ và công nghiệp. Vũ khí hiện đại phải có độ chính xác, tính cơ động cao và đủ sức xuyên thủng mọi lá chắn của đối phương.

Để đạt được đặc tính kỹ chiến thuật yêu cầu, tên lửa mới phải cấu tạo từ vật liệu và công nghệ tiên tiến, đi kèm hệ thống điều khiển tinh vi, cũng như sử dụng nhiên liệu mới.

Một trong những yêu cầu quan trọng của việc sản xuất tên lửa tầm trung là đảm bảo độ chính xác cao của việc nhắm và bắn trúng mục tiêu. Các hệ thống định vị hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ vệ tinh sẽ giúp giải bài toán này.

Những tên lửa như vậy sẽ trở thành công cụ hiệu quả để tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương. Bên cạnh đó, cần tích hợp cho vũ khí những cách thức đặc biệt để vượt qua hệ thống phòng thủ như mồi bẫy và khí tài gây nhiễu, để làm giảm hiệu quả của phòng không.

Tính cơ động cũng là một yếu tố tối quan trọng đối với tên lửa tầm trung thế hệ mới. Các bệ phóng di động cho phép di chuyển nhanh chóng và ẩn nấp, khiến hệ thống vũ khí như vậy khó bị phát hiện và tiêu diệt.

Điều này sẽ làm tăng khả năng sống sót của hệ thống tên lửa và khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện nổ ra chiến tranh tổng lực công nghệ cao.

Tiếp theo, cần phát triển các loại đầu đạn mới, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Điều này cho phép phản ứng linh hoạt trước các mối đe dọa và thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống vũ khí.

Thông báo của Nga về việc có thể nối lại sản xuất tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau trong cộng đồng quốc tế khi nhiều nước bày tỏ lo ngại nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn đến căng thẳng và bất ổn hơn nữa trên thế giới.

Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những người ủng hộ quan điểm của Nga, họ chỉ ra sự cần thiết phải duy trì cân bằng thế chiến lược bởi đây là điều kiện quan trọng nhất giúp xung đột không nổ ra.

Đặc biệt đã có tiếng nói lo ngại việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu, bởi có thể dẫn đến căng thẳng và tăng nguy cơ xảy ra các tình huống xung đột.

Trong diễn biến khác, mặc dù Trung Quốc không tham gia Hiệp ước INF nhưng đã bày tỏ sự quan tâm đến đối thoại về các vấn đề ổn định chiến lược cũng như kiểm soát vũ khí.

Bắc Kinh cho biết họ ủng hộ các cuộc đàm phán đa phương, bao gồm không chỉ Mỹ và Nga mà còn cả những quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa hiện đại. Đây có thể là bước đi quan trọng hướng tới giải trừ quân bị toàn cầu và ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang mới.

Bên cạnh đó, bản thân Nga cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại và hợp tác với cộng đồng quốc tế, tuy nhiên Moskva vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải đáp trả thỏa đáng trước các hành động của Washington nhằm duy trì an ninh.

Như một động thái giảm căng thẳng, sau khi cảnh báo phát triển vũ khí mới, Nga đang tích cực thúc đẩy ý tưởng xây dựng một thỏa thuận quốc tế mới, trong đó tính đến thực tế hiện nay và phải bao gồm tất cả những cường quốc hàng đầu thế giới.