Nga bị cáo buộc 'làm mù' vệ tinh quan sát của châu Âu

ANTD.VN - Nga được cho là đã sử dụng vũ khí laser hoặc một hệ thống tác chiến điện tử đặc biệt để gây tác động lên vệ tinh quan sát của châu Âu.

Vệ tinh quan sát của châu Âu Sentinel-1A thuộc chương trình Copernicus đang gặp một số vấn đề nhất định trong việc thu thập hình ảnh radar về vùng lãnh thổ Donbass, điều này được chứng minh bằng những hình ảnh mà nó nhận về.

Các bức ảnh được đăng tải cho thấy rõ ràng sự can thiệp đến từ lãnh thổ Nga và có hiệu lực đến tận sông Dnepr ở miền Trung Ukraine, dễ dàng nhận ra nhiều khoảng tối do không có tín hiệu xâm nhập.

Trong khi đó, vệ tinh Sentinel-1B được phóng cách đây 6 năm bằng tên lửa Soyuz-2 của Nga từ trung tâm vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp (Đông Bắc Nam Mỹ), đã ngừng hoạt động hơn một tuần.

Theo các nguồn tin, Sentinel-1B bị lỗi vào ngày 23/12/2021 và kể từ đó không có dữ liệu nào được gửi từ nó về Trái đất. Nguyên nhân chính của sự cố được gọi là trục trặc trong bộ cấp nguồn của vệ tinh. Hiện tại giới chuyên gia bắt đầu giải quyết vấn đề kỹ thuật.

Ngoài ra vào mùa hè năm 2021, hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Mỹ EAS cũng đã đưa tin về thời điểm ngừng hoạt động của hai vệ tinh châu Âu khi bay qua miền Nam Liên bang Nga và Ukraine, họ lập tức cáo buộc có sự can thiệp từ Moskva.

Theo thông tin có được, khi đó hai vệ tinh viễn thám "hòa bình" của châu Âu đang theo dõi bề mặt trái đất với mục đích khoa học, tuy nhiên chúng đã bất ngờ "bị mù". Kết quả là dữ liệu do chúng truyền về trung tâm điều khiển trở nên sai lệch đến mức không thể nhìn ra bất cứ một thứ gì.

Những câu hỏi đã được đặt ra gần như ngay lập tức, tuy nhiên tại sao sự cố xảy ra với các vệ tinh dân sự thuần túy của châu Âu lại gây báo động cho Quân đội Mỹ đến mức như vậy?

Được biết EAS là một tổ hợp chịu trách nhiệm thông báo nhanh chóng cho các nhân vật chỉ huy cấp cao của Lầu Năm Góc về những thảm họa thiên nhiên, các cuộc tấn công khủng bố và nguy cơ bắt đầu chiến tranh. Ngoài ra nó còn nằm trong hệ thống cảnh báo tấn công hạt nhân toàn cầu của Mỹ.

Dựa trên những đặc điểm này, có thể cho rằng Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang hợp tác với Quân đội Mỹ và những vệ tinh được giới thiệu là "hòa bình" của họ vẫn thu thập thông tin tình báo cho Lầu Năm Góc.

Hơn nữa cần phải nhấn mạnh vào thực tế số lượng những vệ tinh "dân sự" như vậy trên quỹ đạo đã tăng lên đáng kể trong vài năm gần đây.

Báo chí Nga bình luận, đối với những cáo buộc chống lại nước này, hoàn toàn không tồn tại bất cứ bằng chứng nào cho thấy Moskva tham gia vào việc làm mù vệ tinh thuộc sở hữu của châu Âu hay Mỹ.

Tuy nhiên Moskva khẳng định về mặt kỹ thuật, họ có cơ hội để làm như vậy, ví dụ với sự trợ giúp của tổ hợp vũ khí laser Peresvet, hay hệ thống tác chiến điện tử như Murmansk-BN.

Ngoài ra có thể vụ việc là kết quả của cuộc thử nghiệm thực chiến đối với hệ thống tác chiến điện tử di động công suất lớn Tirada-2S, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2019, được thiết kế để vô hiệu hóa những thiết bị điện tử trên vệ tinh hoạt động ngoài không gian.

Nếu Nga thực sự có năng lực làm nhiễu vệ tinh viễn thám của châu Âu, Mỹ và NATO sẽ phải đặc biệt cẩn trọng bởi những vệ tinh quân sự của họ hoàn toàn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ khí tài của Moskva.