Nga bắt đầu sử dụng hàng loạt 'xe tăng đồ cổ' làm mũi nhọn tấn công

ANTD.VN - Tình trạng thiếu thiết giáp đã buộc Nga phải dùng "xe tăng đồ cổ" làm mũi nhọn tấn công thay vì pháo tự hành như trước.

Hình ảnh những "xe tăng đồ cổ" bao gồm T-54/55 và T-62M/MV được Quân đội Nga sử dụng rộng rãi trên chiến trường trong vai trò mũi nhọn tấn công xuất hiện liên tục thời gian gần đây cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong hình thức chiến thuật.

Trước đây những xe tăng thế hệ cũ đã 60 - 70 tuổi như T-55 và T-62 chỉ được Quân đội Nga sử dụng như pháo tự hành hoặc phương tiện yểm trợ hỏa lực ở tuyến phòng thủ, chúng không tham gia dẫn đầu đội hình tấn công.

Mặc dù vậy những tổn thất cực lớn về tăng - thiết giáp trên chiến trường Avdiivka đã buộc các chỉ huy quân sự nước này phải chấp nhận mạo hiểm, khi đưa những cỗ chiến xa cổ điển có lớp giáp bảo vệ và hỏa lực yếu ra tiền tuyến.

Điều này đã dẫn đến những tổn thất đáng kể đối với lực lượng thiết giáp Nga, trong đó thiệt hại chủ yếu nhằm vào các xe tăng cổ điển, ví dụ như trong hai ngày 17 và 18/2 đã có 28 phương tiện bị phá hủy, đây là điều đã được dự báo từ trước

Và để giảm thiểu thương vong, Quân đội Nga đã bắt đầu trang bị "mái che", lưỡi ủi, lưới rà mìn và phương tiện tác chiến điện tử cho những xe tăng thuộc phiên bản T-62M và T-62MV của họ.

Hình ảnh về những cỗ chiến xa nói trên đã được chuyên gia quân sự, nhà nghiên cứu xe bọc thép Andriy Tarasenko đăng tải trên kênh Telegram của mình.

Vị chuyên gia trên bình luận: "Bất chấp tuyên bố của người Nga về việc chỉ sử dụng T-62 trong vai trò pháo tự hành, những phương tiện chiến đấu này vẫn được nhìn thấy dẫn đầu đội hình tấn công".

"Một trạm chế áp điện tử loại RP-377 được đặt trên tháp pháo của một trong những cỗ chiến xa nói trên, điều này trực tiếp cho thấy xe tăng không hoạt động ở tuyến sau mà ở tuyến đầu".

Sau đó ông Tarasenko công bố những bức ảnh chụp một đoàn xe bọc thép của Nga bị tiêu diệt, trong đó có thể nhìn thấy một trong những chiếc xe tăng T-62M/MV đã được trình diễn trước đó.

Quân đội Nga bắt đầu sử dụng xe tăng T-62 ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện với Ukraine, điều này được nhận thấy lần đầu vào tháng 5/2022 thông qua những tấm ảnh thu được từ thực địa.

Sau đó vào tháng 6/2022, những chiếc T-62 của Nga bắt đầu được trang bị giáp phản ứng nổ và mái che để chống lại máy bay không người lái, điều này báo hiệu việc sử dụng chúng như phương tiện đột kích chứ không phải trong vai trò pháo tự hành như trước.

Hiện tại, Nga có kế hoạch hiện đại hóa khoảng 800 xe tăng T-62M/MV từ thời Liên Xô bằng cách lắp đặt khí tài liên lạc mới, kính ngắm ảnh nhiệt, giáp phản ứng nổ và các biện pháp bảo vệ khác.

Ý tưởng hiện đại hóa xe tăng T-62 nhìn chung là hợp lý, trước hết bởi đơn giản Bộ Quốc phòng Nga không có xe tăng nào khác với số lượng cần thiết sau những thiệt hại trên chiến trường.

Thứ hai, thời gian huấn luyện gấp không cho phép tổ lái nhanh chóng làm chủ được những cỗ máy hiện đại hơn. Những chiếc T-62MV hiện đại hóa đã được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt với khí tài tìm kiếm bằng tia laser tích hợp 1PN-96МТ-02.

Nhưng khác với loại Sosna-U, khí tài này không có kênh ban ngày - chỉ có kênh ảnh nhiệt và máy đo khoảng cách laser, phạm vi phát hiện mục tiêu vào khoảng 2 đến 3 km. Ngoài ra, 1PN96MT-02 không có khả năng sử dụng tên lửa dẫn đường phóng qua nòng.

Để bảo vệ xe tăng, các tấm lưới được hàn ở đuôi tháp pháo và lắp đặt giáp phản ứng nổ Kontakt-1. Tuy nhiên vẫn có những vị trí dễ bị tổn thương do không được bao bọc kín.

Một vấn đề nữa cần nhắc tới là tình trạng trên đặt ra câu hỏi về sản lượng xe tăng mới được các nhà máy của Nga sản xuất, bởi theo dữ liệu công khai, đã có tới 1.500 phương tiện mới bàn giao trong năm 2023.

Nếu con số trên là chính xác, số lượng xe tăng T-90M, T-80BVM và T-72B3M vẫn phải "tràn ngập" trong Quân đội Nga và T-54/55 cũng như T-62M/MV không phải làm nhiệm vụ có phần quá sức với chúng như hiện nay.