NATO ‘lạnh gáy’ khi Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Belarus?

ANTD.VN - Sau khi Nga tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, Belarus bất ngờ cho biết sẵn sàng cho Moscow bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược tại nước này.

Tổng thống Lukashenko nói, phương Tây "âm mưu xâm chiếm Belarus" và việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ giúp bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa.

"Hãy tin lời tôi, tôi chưa bao giờ lừa dối các bạn. Họ đang chuẩn bị xâm chiếm Belarus, phá hủy đất nước của chúng ta", ông Alexander Lukashenko phát biểu trước các nghị sĩ hôm 31/3.

Theo ông Alexander Lukashenko, các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga sắp triển khai tại Belarus sẽ giúp bảo vệ nước này trước các mối đe dọa từ phương Tây.

Không những vậy, Tổng thống Lukashenko còn cho biết, Belarus sẵn sàng cho Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược nếu mối đe dọa nhắm vào nước này leo thang.
"Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược tới Belarus nếu cần", Tổng thống Alexander Lukashenko ngày 31/3 cho biết.

Ông Alexander Lukashenko tuyên bố "không đe dọa hay tống tiền ai", thay vào đó muốn bảo vệ nhà nước và đảm bảo hòa bình cho người dân Belarus.

"Thế lực nước ngoài đang muốn giáng một đòn vào chúng tôi từ trong lẫn ngoài", ông Alexander Lukashenko nói.
Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định Belarus có đủ vũ khí thông thường để đối phó mọi mối đe dọa, song cảnh báo "sẽ sử dụng mọi thứ chúng tôi có nếu nhận thấy đằng sau những mối đe dọa đó là nguy cơ hủy diệt đất nước chúng tôi".

"Một tuần trước, tôi ra lệnh cho quân đội khôi phục ngay lập tức các địa điểm từng triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Topol", ông Alexander Lukashenko nói,

Ông Alexander Lukashenko đồng thời cho biết đã ra lệnh bảo quản phần lớn cơ sở này sau khi Nga rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus vào những năm 1990.
Giới chuyên gia định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ với sức công phá được giảm xuống mức tối thiểu.
Chúng được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì gây tàn phá và hủy diệt trên diện rộng như vũ khí hạt nhân chiến lược.
Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế.
Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế với sức công phá lớn, tầm bay xa để tấn công các mục tiêu nằm xa chiến trường.
Các mục tiêu của vũ khí hạt nhân chiến lược bao gồm căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy, cơ sở công nghiệp quốc phòng, hạ tầng giao thông, vận tải và năng lượng, cũng như khu vực đông dân cư hoặc đô thị có các mục tiêu nói trên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, tương tự hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh trong nhiều thập kỷ qua.

Đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ kể từ những năm 1990.

Trong tuyên bố, Tổng thống Putin nhắc đến việc Nga đang triển khai 10 máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Trong số này có những chiếc tiêm kích MiG-31K mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

"Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống tên lửa Iskander có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi", Tổng thống Putin nói thêm.

Iskander là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể triển khai mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 500-1500 km.

Lý giải cho việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus, Tổng thống Putin cho biết là làm theo yêu cầu của Minks, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ cũng đang làm như thế khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các quốc gia đồng minh châu Âu.