Trong bối cảnh Nga chấm dứt thi hành thỏa thuận ngũ cốc, NATO cho biết sẽ tăng cường hoạt động tình báo trong khu vực, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái. Điều này được nêu trong tuyên bố về kết quả cuộc họp Hội đồng NATO - Ukraine.
Được biết Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và các thành viên có ý định tăng cường thực hiện việc giám sát và trinh sát ở Biển Đen, trong đó đẩy mạnh sử dụng máy bay tuần tra biển, cũng như máy bay trinh sát không người lái.
Thông báo còn nói thêm, sự hiện diện của các lực lượng NATO trong khu vực đã được tăng lên so với một năm trước đó, bao gồm cả việc thành lập hai nhóm chiến đấu đa quốc gia mới ở Bulgaria và Romania.
Tuyên bố từ phía NATO cáo buộc Nga thông qua những hành động của mình đã góp phần tạo ra "rủi ro nguy hiểm" ở Biển Đen - địa bàn có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Liên minh.
Trước đó, Nga đã tuyên bố rút khỏi cái gọi là "thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen", theo đó nông sản Ukraine được xuất khẩu qua các cảng biển nằm bên bờ Biển Đen do Kyiv kiểm soát.
Theo phía Nga, nguyên nhân chính dẫn đến việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là do phương Tây không thực hiện nghiêm túc các điều khoản mà hai bên đã thống nhất trong văn bản.
Cụ thể, phương Tây phải cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga kết nối trở lại với hệ thống thanh toán SWIFT, đảm bảo hoạt động của đường ống amoniac Togliatti - Odessa, và một số điều kiện khác.
Không chỉ có vậy, Moskva nhấn mạnh rằng trái với điều khoản, lương thực từ Ukraine lại được xuất khẩu chủ yếu sang các nước EU, trong khi mục đích của thỏa thuận là hỗ trợ những quốc gia ở Lục địa Đen đang cần lương thực.
Trong diễn biến khác, có ý kiến cho biết các tàu chở ngũ cốc của Ukraine có thể nhận được sự bảo vệ quân sự từ một số quốc gia phương Tây, nhưng không nằm dưới sự bảo trợ chung của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Quan điểm này được chuyên gia quốc phòng - nghị sĩ Markus Faber thuộc Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) lên tiếng và đã thu hút sự quan tâm sâu sắc.
Ông Faber tin rằng Bulgaria và Romania có thể cung cấp hỗ trợ như vậy. Bên cạnh đó, cần lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đề xuất họ sẽ hộ tống tàu chở ngũ cốc tới cảng Ukraine nếu Nga rút khỏi thỏa thuận.
Vấn đề cần lưu ý tiếp theo chính là việc Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine - ông Dmitry Kuleba đã công bố khả năng Kyiv tự tiến hành hộ tống các tàu chở ngũ cốc của chính họ.
Tuy nhiên điều kiện để viễn cảnh trên thành hiện thực phải gắn liền với việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ đủ phương tiện để đảm bảo hoạt động bình thường cho tuyến đường cung cấp ngũ cốc mới.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã nhấn mạnh rằng nước này nhận máy bay chiến đấu phương Tây càng sớm thì hành lang bảo vệ càng nhanh chóng được triển khai.
Trước diễn biến trên, báo chí Nga cho rằng chính quyền Kyiv thực sự đang sử dụng tình hình hiện tại để gây áp lực lên phương Tây nhằm đẩy nhanh việc viện trợ tiêm kích F-16 cho nước này.