Nâng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trên tổng mức lương hằng tháng quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng đáng kể.
Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội

Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 02 phương án:

Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội bình quân hằng tháng bằng khoảng 75 - 76% mức thu nhập bình quân thực tế.

Có doanh nghiệp trả tổng thu nhập cho người lao động 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương 5-6 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác.

Quy định cứng phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định, song thực tế cũng mới tính đóng trên 3 loại phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Với doanh nghiệp trả lương tối thiểu rất khó quy định cứng phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau.

Với phương án dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra, thu nhập được tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động.

Như vậy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.