Nạn lợi dụng âm nhạc để kích động bạo lực ở Lesotho

ANTD.VN -  Famo, thể loại nhạc kết hợp giữa các bài hát truyền thống của Nam Phi với nhạc cụ phương Tây, gần đây được trở nên đặc biệt ưa chuộng tại Lesotho dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa người hâm mộ và ca sĩ, thậm chí gây xung đột chết người. Chính phủ Lesotho đã cấm một số nhóm nhạc Famo, coi họ là các tổ chức “khủng bố”.

Toàn cảnh Thủ đô Maseru của Lesotho

Băng đảng “khủng bố” sinh ra từ âm nhạc

Famo lần đầu tiên xuất hiện cách đây một thế kỷ trong cộng đồng thợ mỏ Nam Phi. Dòng nhạc này đặc trưng bởi việc sử dụng nhiều đàn accordion kết hợp với guitar theo phong cách maskandi của người Zulu.

Một số nhóm Famo ban đầu được thành lập để hỗ trợ các nghệ sĩ chơi dòng nhạc này. Seakhi và Terene, 2 nhóm Famo là trung tâm của bạo lực từ năm 2009 đến năm 2011, bắt đầu hình thành từ các hội nhóm nhằm hỗ trợ các thành viên khi họ mất đi người thân. “Bạo lực bắt đầu khi các nghệ sĩ Famo lăng mạ nhau trong âm nhạc của họ”, John Mokwetsi, một nhà báo Lesotho cho biết.

Nhạc Famo bắt nguồn từ những thợ mỏ di cư ở Johannesburg cách đây một thế kỷ và vẫn phổ biến với cộng đồng ở thành phố này hiện nay

Mặc dù không rõ chính xác thời điểm bạo lực bắt đầu, làn sóng bạo lực đầu tiên liên quan đến dòng nhạc Famo được báo chí đưa tin rộng rãi là vào khoảng năm 2009 và 2010 khi 100 nghệ sĩ Famo được cho là đã bị giết ở Lesotho và Nam Phi. Bạo lực liên quan đến nhạc Famo đã làm tăng nhanh các vụ giết người ở Lesotho; đất nước có 2,3 triệu dân này hiện có tỷ lệ giết người cao thứ 6 trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, Khopolo Khuluoe, một ca sĩ từng đoạt giải thưởng về Famo và Pulane Macheli, phát thanh viên nổi tiếng đã lên tiếng ngăn chặn bạo lực liên quan đến âm nhạc Famo. Tuy nhiên, họ đã trở thành nạn nhân khi vào tháng 7 năm nay, những tay súng không rõ danh tính nhắm thẳng vào xe tải của họ ở Thủ đô Maseru siết cò, khiến Khuluoe thiệt mạng ngay tại hiện trường còn Macheli qua đời tại bệnh viện vào ngày hôm sau.

Lệnh cấm một số nhóm Famo có hiệu lực vào tháng 5-2024 với lý do được chính phủ Lesotho gọi là “bất hợp pháp vì tham gia, hoặc thúc đẩy hoặc khuyến khích các hoạt động bạo lực”. Tuy nhiên, các nhóm hoặc nhạc sĩ không có trong “danh sách đen” vẫn được tự do biểu diễn, như nghệ sĩ Famo Mantsali Julia Hantsi.

“Nhạc Famo không phải lúc nào cũng gắn liền với bạo lực và băng đảng. Thật không may, trong thời gian gần đây, một số phe phái đã lợi dụng âm nhạc để kích động bạo lực hoặc thúc đẩy sự ganh đua”, cô Hantsi nói.

Những mâu thuẫn nội tại khác

Ở Lesotho, bạo lực liên quan đến âm nhạc Famo khá phức tạp bởi xuất phát từ các nguyên nhân, lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên là mâu thuẫn giữa 2 nhóm lớn: nhóm Terene ea Mokata Lirope và Liala Mabatha.

Các thành viên của Terene, một băng đảng Lesotho bắt nguồn từ Famo, dòng nhạc gắn liền với làn sóng bạo lực ở Lesotho và Nam Phi

Vào tháng 4-2024, hai thành viên của nhóm Terene đã bị bắn tại một đám tang ở nhà riêng của thủ lĩnh ở Leribe. Sáu giờ sau, 5 thành viên gia đình của một thành viên nhóm đối thủ đã bị sát hại, động cơ bị nghi là để trả thù. Không ai bị buộc tội giết người nhưng người ta tin rằng các vụ giết người này có liên quan đến hai đối thủ kình địch nói trên.

Một trong những nguồn phát bạo lực là hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp ở Nam Phi. “Những nhóm Famo này hiện đang điều hành các địa bàn khai thác mỏ bất hợp pháp khác nhau ở Nam Phi. Đôi khi xảy ra xung đột, nếu không tìm thấy một thành viên băng đảng mà chúng cần xử ở Nam Phi, chúng sẽ đến Lesotho và giết hại người thân của đó”, nhà báo Mokwetsi cho biết.

Hôm 11-6, một số tay súng đã nổ súng vào hành khách khi họ bước ra khỏi xe buýt nhỏ gần biên giới Lesotho - Nam Phi khiến 2 người thiệt mạng. Người ta tin rằng các vụ giết người có liên quan đến nhóm công nhân khai mỏ ở Nam Phi.

Chưa hết, yếu tố địa lý cũng là nguồn cơn của mâu thuẫn dẫn đến bạo lực. Người ta ví mối thù của các nhóm Famo ở Lesotho giống với những nhóm hip-hop Mỹ vào giữa những năm 1990. Đỉnh điểm ở Mỹ là cuộc đấu đá giữa các nghệ sĩ đến từ các thành phố ở Bờ Đông với bờ phía Tây. Còn ở đây, một nhạc sĩ Famo đến từ tỉnh Mafeteng phía Bắc không thể biểu diễn ở tỉnh Leribe phía Nam và ngược lại. “Họ vẫn có thể biểu diễn nhưng khả năng là sẽ khó sống sót trở về nhà”, một người yêu âm nhạc cho biết.

Bạo lực băng đảng đã khiến Lesotho, đất nước có 2,3 triệu dân nhưng có tỷ lệ giết người cao thứ 6 trên thế giới

Kể từ khi chính phủ cấm một số nhóm Famo, ít nhất 3 người ở Leribe đã bị kết án 10 năm tù vì mặc trang phục của các nhóm Famo bị cấm.

“Mặc dù tôi hiểu mối quan tâm của chính phủ đối với an ninh công cộng, nhưng tôi tin rằng việc cấm nhạc và chương trình Famo không phải là giải pháp. Lẽ ra cần tập trung giải quyết nguyên nhân gây ra bạo lực. Bản thân nhạc Famo không phải là nguyên nhân gây rắc rối mà vấn đề là cách một số cá nhân sử dụng nhạc để thúc đẩy hành vi có hại. Âm nhạc có nghĩa là đoàn kết và chữa lành, và chúng ta nên nỗ lực khôi phục lại vai trò tích cực đó”, ca sĩ Hantsi nói.