Nắm tận gốc mọi vấn đề

ANTĐ - Theo Báo cáo kết quả giám sát năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có 19 cuộc giám sát, 18 cuộc khảo sát và 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, 3 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn 100 cuộc giám sát của 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Số lượng giám sát như vậy có thể nói là không ít, vậy chất lượng ra sao?

Một số đại biểu Quốc hội đã từng tham gia nhiều đoàn, nhiều cuộc giám sát đều cho rằng giám sát tức là thị sát thực tế ở các địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chứ không chỉ nghe báo cáo, đọc báo cáo. Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang… nhấn mạnh, phải coi trọng đánh giá việc chấp hành các chính sách pháp luật, nhất là việc thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện luật.

Nội dung báo cáo giám sát chuyên đề phải rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đặc biệt là trách nhiệm của cá nhân, nhất là giám sát về đất đai đối với các quyết định trong lĩnh vực này. Các đại biểu thực sự băn khoăn về tình hình công nợ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nhưng công tác giám sát chưa chặt chẽ. Vấn đề này nói nhiều và chất vấn nhiều, song thực tế “gánh nợ” của các “ông lớn” này không được báo cáo một cách trung thực và đầy đủ. Vì vậy trong chương trình giám sát năm 2013 cần bổ sung chuyên đề tình hình nợ công của các tập đoàn, tổng công ty.

Một số đại biểu đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát, trọng tâm là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật. Mỗi cuộc giám sát đều phải đặt ra yêu cầu là phải giám sát trực tiếp các đối tượng, phải đi sâu, đi sát tới các địa phương để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của cư tri cũng như người dân.

Trong lĩnh vực kinh tế nên chọn giám sát việc quản lý giá cả, nhất là giá xăng dầu, điện để làm rõ tình hình lỗ lãi, thao túng thị trường, từ đó đề ra giải pháp xử lý cơ bản, triệt để, góp phần làm yên lòng dân. Trong lĩnh vực xã hội cần tập trung giám sát về tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm lao động với số lượng lớn, xâm phạm đến quyền lợi của hàng vạn người lao động. Đồng tình với những ý kiến và đề xuất trên, một số đại biểu nhấn mạnh thêm, trong các báo cáo giám sát của Quốc hội cũng như của các đoàn đại biểu cần thiết phải có những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những giám sát và bằng chứng độc lập. Hầu hết đến nay thường chỉ nghe những báo cáo ở các bộ, sở, ban, ngành mà không có báo cáo, nghiên cứu, đánh giá của một tổ chức phi chính phủ hay cơ quan độc lập.

Một đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét, khi đi giám sát thường chỉ nghe cơ quan nhà nước ở địa phương báo cáo, không có điều kiện tiếp xúc, nghe các đối tượng khác như người dân khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Đại biểu này cho rằng, khi đi giám sát phải giảm bớt các quan chức bộ, ngành đi theo, mà tăng các chuyên gia độc lập, những người am hiểu từng lĩnh vực để tham gia tư vấn cho đoàn giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị 2 trong 3 nội dung mà Quốc hội sẽ giám sát trong năm 2013. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cả 3 vấn đề đều đúng nhưng chưa thật trúng. Điều quan trọng là không nên dàn trải, giám sát phải nắm được thực chất, tức là phải tới tận nơi, truy vấn thì mới nắm chắc được tận gốc vấn đề.