Năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ tăng ít nhất 10%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho năm 2024 là phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023…
Chính phủ đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Trọng tâm của Nghị quyết này là nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đồng thời thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể như sau:

- Phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

- Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc.

- Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.

- Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới: Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:

- Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

- Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc.

- Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc.

- Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc.

- Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.

- Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc.

- An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành những chỉ tiêu trên.