Năm 2024, có thể thiếu đến 1.770 MW vào mùa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, thiếu điện vẫn có thể tái diễn vào mùa hè năm tới.
Lưới điện truyền tải cần được củng cố để cung ứng điện cho miền Bắc ổn định

Lưới điện truyền tải cần được củng cố để cung ứng điện cho miền Bắc ổn định

Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung- cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%) với 2 kịch bản lưu lượng nước về. Nước về bình thường, tần suất nước về 65% và nước về cực đoan, tần suất nước về 90%. Trong đó, EVN cũng cập nhật tiến độ các nguồn điện mới như Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào...

Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng.

Còn đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7-2023.

Để cung ứng điện tối ưu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 thông qua các nhóm giải pháp về vận hành, về đầu tư xây dựng, tiết kiệm điện…

Trong đó, EVN, các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và làm rõ trách nhiệm các bên trong việc cung cấp than để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán than theo quy định và tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật;

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo sự chủ động trong việc khai thác, nhập khẩu than của các đơn vị tham gia cung ứng than.

EVN, PVN, TKV, các tổng công ty phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than: (i) Tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019, chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, cũng như hạ tầng tiếp nhận than;

Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị;

Đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống; Đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.

EVN/A0 chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng. Đồng thời tăng cường chất lượng dự báo diễn biến thời tiết, nhất là các yếu tố thời tiết dị biệt…

Trong các giải pháp về xây dựng, Bộ Công Thương nhấn mạnh giao EVN/EVNNPT đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối để tăng cường truyền tải điện từ miền Nam và miền Trung cho miền Bắc sớm nhất có thể.