Năm 2022: Sẽ áp dụng những chính sách quan trọng nào về tiền lương ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lương tối thiểu vùng 2022 có thể giữ nguyên, lùi thời hạn thực hiện cải cách tiền lương song sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội là những chính sách quan trọng về tiền lương trong năm 2022 tới.

Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Hội đồng đã quyết định không tăng lương tối thiểu vùng mà giữ nguyên như năm 2022. Do đó, dự kiến trong năm 2022 tới, mức lương sẽ được giữ nguyên như năm 2021.

Cụ thể, mức lương 4.420.000 đồng/ tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, 3.920.000 đồng/ tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, 3.430.000 đồng/ tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, 3.070.000 đồng/ tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Như vậy, thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022, Quốc hội đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức, đồng thời tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Từ 1-1-2022 sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội cho nhiều nhóm đối tượng

Từ 1-1-2022 sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội cho nhiều nhóm đối tượng

Song từ 1-1-2022 sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội. Nghị định 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, nêu rõ từ 1-1 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này gồm:

Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTG và Quyết định 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm - dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206-CP.

Ngoài ra, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP và Quyết định số 111-HĐBT; Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 8/2010/QĐ-TTg); Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg cũng sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu thêm 7,4%.