Năm 2022 có thể trở thành năm “thảm họa” với giá vàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những nhận định bi quan nhất về kim loại quý cho rằng năm 2022 có thể sẽ là một năm “thảm họa” với giá vàng khi nó có thể giảm tới 16%.

Sau phiên giảm ngày hôm qua, sáng nay, giá vàng trong nước không có nhiều biến động. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên giá giao dịch thương hiệu vàng quốc gia so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, tại 60,85 – 61,55 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 60,85 – 61,57 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Tại các doanh nghiệp khác, giá vàng gần như cũng “án binh bất động”. Theo đó, tại DOJI, vàng SJC giao dịch mức 60,80 triệu đồng/lượng; Phú Quý 60,93 – 61,53 triệu đồng/lượng...

Trên thế giới, kim loại quý màu vàng tiếp tục giao dịch dưới nhiều áp lực. Trong phiên giao dịch tại thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), vàng giảm gần 3 USD và mức giá sát 1.789 USD/ounce tiếp tục duy trì đến phiên sáng nay tại thị trường châu Á.

Ngày càng nhiều nhận định bi quan về giá vàng

Ngày càng nhiều nhận định bi quan về giá vàng

Có thể thấy, diễn biến giá vàng vào cuối năm 2021 gây thất vọng so với các dự đoán trước đó, khi nhu cầu của các nhà đầu tư ngày càng mờ nhạt. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, nhiều nhận định còn bi quan hơn trong năm tới. Theo AMB AMRO – một ngân hàng của Hà Lan, năm 2022 có thể là một “thảm họa” khi chúng ta có thể chứng kiến ​​giá vàng giảm 16%.

Trong dự báo giá vàng năm 2022 của mình, Georgette Boele, chiến lược gia cao cấp mảng ngoại hối và kim loại quý cao cấp của AMB AMRO, giá vàng có thể sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm sau và thậm chí giảm xuống chỉ còn 1.300 USD/ounce vào cuối năm 2023.

Triển vọng giảm giá xuất hiện khi giá vàng đã không thể giữ mức tăng trên 1.800 USD/ounce. Boele cho rằng các chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ là nhân tố chính dẫn đến sự sụt giảm của vàng trong năm tới.

Ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Boele lưu ý rằng một số ngân hàng trung ương cũng đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ của họ vào năm 2022.

Ngân hàng Anh đang dẫn đầu khi tăng lãi suất vào tuần trước. Còn Fed cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm tới.

Boele lưu ý rằng ngay cả các ngân hàng trung ương ôn hòa như Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ của họ.

“ECB, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Dự trữ Úc, Riksbank và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể sẽ tăng giá muộn hơn so với các ngân hàng trung ương khác, nhưng hướng đi là thắt chặt chứ không phải nới lỏng. Chính sách tiền tệ thắt chặt nói chung là tiêu cực đối với giá vàng, cũng bởi vì lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng” – bà nói.

Quay trở lại chính sách tiền tệ của Mỹ, Boele nói rằng việc tăng lãi suất dự kiến ​​sẽ đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn. Cùng với đó, áp lực lạm phát sẽ giảm bớt, dẫn đến lợi suất thực tế của trái phiếu kho bạc Mỹ còn cao hơn nữa, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong tương lai.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Hoa Kỳ cũng sẽ thúc đẩy đồng đô la Mỹ, tạo ra một cơn gió ngược cho kim loại quý. Giá vàng yếu hơn có thể khiến các nhà đầu tư bán ra tài sản vàng mà họ đang nắm giữ.