Năm 2020 sẽ xóa sổ hoàn toàn bếp than tổ ong

ANTD.VN - Trước thực trạng gần 2000 tấn khí CO2 thải ra môi trường mỗi ngày, TP Hà Nội đã có chủ trương từ nay đến 2020 sẽ xóa sổ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Với chủ trương này, nhiều cơ sở sản xuất than nhỏ lẻ đã đóng cửa để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở một số xưởng sản xuất than lớn thì việc chuyển đổi sang một ngành nghề khác của những người lao động tại đây lại gặp không ít những khó khăn.


Trước kia, cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong của ông Nguyễn Văn Dũng ở Thanh Trì, Hà Nội tiêu thụ ra thị trường khoảng 20 tấn/ngày, nhưng cho đến nay chỉ còn 4 tấn/ngày, bởi nhiều hàng quán kinh doanh không còn sử dụng bếp than tổ ong nữa. Để mở xưởng sản xuất than tổ ong và hoạt động cho đến hiện tại, ông Dũng phải đầu tư một khoản tiền khá lớn. Theo lộ trình của Thành phố về việc xóa sổ hoàn toàn bếp than tổ ong, cũng đồng nghĩa với việc cơ sở này phải đóng cửa.

Chủ cơ sở lo lắng, còn người lao động cũng không tránh khỏi những hoang mang. Bởi với những công nhân đã gắn bó từ lâu với xưởng sản xuất than tổ ong này, đây là nghề mưu sinh và phù hợp với khả năng của họ.

Những công nhân và cả những chủ xưởng than trên địa bàn thành phố, hơn lúc nào hết đều mong muốn đi song song với một lộ trình thay thế bếp than tổ ong này sẽ là những định hướng, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho mình.

Hiện tại Sở TNMT đã có những phương án kết nối với những cơ sở sản xuất bếp than sạch với cơ sở sản xuất nguyên liệu than tổ ong để cùng hợp tác, tạo ra một hệ thống phân phối bếp sạch và nguyên liệu sạch mà cầu nối chính là sở TNMT.

Việc thay thế bếp than tổ ong bằng các nguyên liệu sạch để giảm tải lượng khí CO2 ra môi trường là một việc làm cần thiết. Nhưng song song với đó, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, nghiên cứu các loại bếp và nguyên liệu sạch phù hợp cũng cần được sở TNMT tính toán kĩ để lộ trình thay thế này thực sự phát huy được hiệu quả.