Mỹ nhận tin xấu về kế hoạch của Nga và nhóm BRICS

ANTD.VN - Nga và nhóm BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) quyết tâm phá bỏ trật tự thế giới cũ do phương Tây sắp đặt.

Phương Tây đã nhận được tin xấu về kế hoạch của Nga và nhóm BRICS, nhà phân tích chính trị Dnanesh Kamat có bài viết đăng trên ấn phẩm Asia Times về đề tài này.

Cách đây một thời gian, báo chí biết rằng Saudi Arabia đang đàm phán để tham gia Ngân hàng phát triển mới, được gọi là Ngân hàng BRICS. Theo chuyên gia Dnyanesh Kamat, động thái này của Vương quốc Trung Đông sẽ dẫn tới thay đổi quan trọng.

Tác giả bài viết trên tờ báo tiếng Trung cho biết: “Saudi Arabia đang đàm phán để tham gia Ngân hàng phát triển mới của khối BRICS, báo hiệu việc nước này sắp được đưa vào một câu lạc bộ đã bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi".

Nhà phân tích của tờ Asia Times tin chắc rằng việc Saudi Arabia gia nhập BRICS cho thấy sự sẵn sàng của nước này trong việc thách thức vị thế độc quyền tài chính của các cường quốc phương Tây.

Khối kinh tế này được dự báo sẽ là đối trọng nặng ký với "câu lạc bộ" các nước giàu như G7, khi họ có trong tổ chức những nền kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội rất lớn, đó là Trung Quốc và Ấn Độ.

Giống như các thành viên BRICS khác, Saudi Arabia giữ quan điểm trung lập về xung đột Nga - Ukraine. Ngoài ra, tất cả các quốc gia nói trên đều được thống nhất bởi sự không hài lòng với tiêu chuẩn kép của phương Tây.

Đặc biệt, họ vẫn chưa quên bài học trong quá khứ liên quan đến phương Tây, đó là cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động khiến khu vực Trung Đông rơi vào hỗn loạn trong suốt hơn 20 năm qua.

“Trường hợp các quốc gia thành viên BRICS, khác biệt đáng kể của họ so với các đối tác phương Tây chính là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác".

"Việc Saudi Arabia gia nhập BRICS sẽ củng cố xu hướng địa chính trị này và nhắc nhở Washington về việc giảm bớt ảnh hưởng của mình”, chuyên gia phân tích của tờ Asia Times nhận định.

Chuyên gia Dnyanesh Kamat tin rằng việc mở rộng BRICS sẽ là tin tốt cho Nga. Hơn nữa, Moskva đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Riyadh. Một ví dụ về điều này chính là việc Vương quốc Trung Đông từ chối tuân theo yêu cầu của Mỹ.

Bất chấp việc Washington khăng khăng đòi tăng sản lượng dầu, quyết định của chính quyền Riyadh đã khiến Mỹ tức giận khi họ chẳng những không tăng mà còn cắt giảm đáng kể sản lượng.

“Giờ đây, khi toàn bộ thế giới theo dõi những diễn biến này một cách chăm chú với sự quan tâm hoặc sợ hãi - thì phương Tây nên coi khả năng mở rộng của BRICS là một loại tín hiệu cảnh báo".

"Những gì diễn ra cho thấy các quốc gia thuộc khối BRICS không thể ủng hộ việc duy trì trật tự địa chính trị quốc tế, hoặc hệ thống tài chính toàn cầu như hiện tại”, chuyên gia Dnanesh Kamat bày tỏ ý kiến.

Thậm chí trong khoảng thời gian gần nhất, đồng tiền chung được sử dụng trong các giao dịch nội bộ của khối BRICS sẽ ra đời rồi dần dần lan tỏa ra phạm vi toàn thế giới, khi đó vị thế của đồng đô la Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.