Mỹ lắp tên lửa siêu vượt âm cho khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt

ANTD.VN -  Hải quân Mỹ sẽ nâng cấp các khu trục tàng hình lớp Zumwalt để có thể mang 12 tên lửa siêu vượt âm, với việc tích hợp này, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ưu thế về sức mạnh trên đại dương. 
Phó đô đốc Johnny Wolfe, người đứng đầu các chương trình vũ khí chiến lược của hải quân Mỹ, cho biết trong hội thảo hôm 2/11 rằng lực lượng này đã quyết định trang bị tên lửa siêu vượt âm cho các tàu chiến lớp Zumwalt từ năm 2025
"Chúng tôi cần hoàn tất quá trình thiết kế, lắp đặt ống phóng và tháo dỡ các bệ pháo phía trước, sau đó là tích hợp tên lửa siêu vượt âm vào hệ thống chiến đấu của tàu chiến", ông Wolfe nói về quy trình cải tạo tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt.

Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, giúp nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.

USS Zumwalt, chiếc đầu tiên thuộc lớp chiến hạm cùng tên, sẽ bắt đầu quá trình hiện đại hóa từ cuối năm 2023.
Hãng đóng tàu Ingalls Shipbuilding sẽ tháo bỏ hai bệ pháo 155 mm trước thượng tầng và thay thế bằng 4 ống phóng thẳng đứng.
Mỗi hệ thống ống chứa được 3 quả đạn, điều này cho phép USS Zumwalt mang được tổng cộng 12 tên lửa siêu vượt âm.
USS Michael Monsoor, chiếc thứ hai trong lớp Zumwalt, cũng sẽ được trang bị số tên lửa tương tự.
Chưa rõ tàu cuối cùng là USS Lyndon B. Johnson có được lắp đặt tên lửa siêu vượt âm trong quá trình thử nghiệm hay không.
Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ. Đây là dự án mở ra tính cách mạng trong việc chế tạo tàu chiến thế hệ mới.
Loại chiến hạm mới này được áp dụng thiết kế khung thân vát nhỏ, trong đó phần trên mớn nước hẹp dần, thay vì mở rộng như các chiến hạm trước đó.
Thiết kế này giúp giảm đáng kể diện tích phản xạ radar và tạo độ cân bằng tốt hơn cho các tàu nhỏ.
Lớp Zumwalt từng bị nghi ngờ về tính hiệu quả khi dự án phát với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ.
Quốc hội Mỹ cũng đã cắt giảm số lượng đặt mua từ 32 chiếc xuống chỉ còn ba tàu, trong đó USS Zumwalt và USS Michael Monsoor đã đưa vào biên chế, trong khi USS Lyndon B. Johnson đang thử nghiệm sau khi hạ thủy.
Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ hồi tháng 9/2020 cho biết mỗi tàu lớp Zumwalt có giá hơn 9 tỷ USD, bao gồm cả chi phí nghiên cứu phát triển, so với mức giá dự kiến 1,3 tỷ USD/chiếc hồi năm 1998.
"Zumwalt là nền tảng hoàn hảo cho vũ khí tấn công nhanh thông thường (CPS). Các chuyên gia hải quân Mỹ đang xem xét biến CPS thành vũ khí tấn công mới cho khu trục hạm này", Đại tá Kevin Smith, Giám đốc chương trình Khu trục hạm lớp Zumwalt, nói trong hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Hải quân Mỹ.
Chương trình CPS được khởi xướng từ thời Tổng thống George W. Bush, nhằm phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường có tầm bắn và tốc độ tương tự tên lửa hạt nhân.
CPS có tầm bắn lớn hơn hầu hết vũ khí thông thường khác và có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên toàn thế giới sau vài phút đến một giờ.
Vũ khí CPS cho phép Mỹ nhanh chóng tấn công vào các mục tiêu của đối phương từ khoảng cách an toàn trong thời gian ngắn, không cần đợi triển khai hoặc đưa các khí tài quan trọng vào tầm bắn của đối phương.
Trong trường hợp nổ ra xung đột, CPS trở thành đòn tấn công phủ đầu tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Khu trục hạm lớp Zumwalt có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 182,9m, rộng 24,6m, mớn nước 8,4m, tốc độ tối đa 55,6 km/h, thủy thủ đoàn 148 người.
Ngay từ lúc đặt nền móng thiết kế cho tới khi đi vào chính thức hoạt động trong biên chế hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Zumwalt được coi là kho vũ khí phi hạt nhân đáng sợ trên biển mạnh mẽ nhất hiện nay.
Với 80 tên lửa trực chiến, chúng đánh dấu là khu trục hạm có số tên lửa trực chiến nhiều nhất trên thế giới. Ban đầu Mỹ dự kiến trang bị pháo điện từ cho con tàu này, nhưng sau đó họ đã bỏ và dự kiến sẽ thay thế bằng tên lửa tiên tiến hơn.

Nhờ trang bị 20 hệ thống phóng tên lửa mới nhất MK57 với 80 ống phóng chứa tên lửa, tàu khu trục lớp Zumwalt có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.

Hải quân Mỹ từng chạy thử khu trục USS Zumwalt giữa sóng lớn cao tới 6 m, con tàu vẫn vận hành ổn định bác bỏ lo ngại siêu khu trục hạm này không thể vận hành khi biển động.

Dù đắt đỏ và gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận siêu tàu khu trục Zumwalt là đỉnh cao công nghệ tàu chiến của Mỹ, chúng mở ra một cuộc cách mạng trong việc chế tạo các chiến hạm công nghệ cao tác chiến trên biển.