Lầu Năm Góc thông báo ngày 25/10 cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt thương vụ vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan (Trung Quốc), gồm các tổ hợp phòng không, như NASAMS, cùng 123 tên lửa trị giá 1,16 tỷ USD, các hệ thống radar trị giá khoảng 828 triệu USD.
"Thương vụ này phục vụ cho lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng cách hỗ trợ những nỗ lực liên tục của Đài Loan nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy", tuyên bố cho biết.
"Thương vụ được đề xuất sẽ giúp cải thiện an ninh của bên nhận và hỗ trợ duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực", Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Theo Reuters, hệ thống phòng không NASAMS là vũ khí mới với Đài Loan (Trung Quốc). Trong khu vực, chỉ có Australia và Indonesia đang vận hành tổ hợp này.
Trung Quốc chưa bình luận về thông báo mới của Mỹ nhưng trong những lần trước đó, Bắc Kinh thường chỉ trích mạnh mẽ Washington vì cấp vũ khí cho Đài Loan.
NASAMS là một trong những dự án vũ khí thành công nhất trong lịch sử Na Uy, cũng là tổ hợp phòng không cố định duy nhất được Mỹ đặt niềm tin và triển khai để bảo vệ không phận thủ đô Washington.
Hệ thống được phát triển bởi tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước.
Quá trình phát triển NASAMS bắt nguồn từ chương trình nghiên cứu "Hawk Study" được Na Uy tiến hành trong thập niên 1990, nhằm so sánh hiệu quả hệ thống phòng không Roland II của Đức với tổ hợp MIM-23 Hawk do Mỹ chế tạo.
Nghiên cứu này sử dụng máy tính để mô phỏng loạt nhiệm vụ phòng không với nhiều kịch bản khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy mỗi hệ thống của Đức và Mỹ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ một số khu vực nhất định, trong đó tổ hợp MIM-23 nâng cấp thể hiện sức mạnh ở các vùng được ưu tiên phòng thủ.
Dựa trên kết quả từ Hawk Study, Oslo bắt đầu xây dựng mạng lưới chỉ huy kết hợp tên lửa phòng không MIM-23, sau đó được đặt tên "Hệ thống Hawk tối tân của Na Uy" (NOAH).
Hệ thống này được đưa vào biên chế trong thập niên 1980, nhưng do các hệ thống MIM-23 quá đắt đỏ, Na Uy vẫn phải dựa vào lá chắn Hercules đời cũ để bảo vệ lãnh thổ phía tây.
Thiết kế module của NOAH cho phép nó tích hợp thêm tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, vốn được trang bị cho các tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ và đồng minh.
Nhận thấy tên lửa này có thể biến thành vũ khí phòng không phóng từ mặt đất, Na Uy sau đó ra mắt hệ thống NASAMS, sử dụng thiết kế của NOAH với đạn tên lửa AMRAAM.
NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km với độ chính xác rất cao.
Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ NATO.