Mỹ chọn sai thời điểm để đưa ra biện pháp trừng phạt OPEC?

ANTD.VN - Biện pháp trừng phạt mới dự kiến sẽ được Mỹ đưa ra nhằm vào tổ chức OPEC cũng như đối tác của họ.

Giới lãnh đạo Mỹ một lần cảnh báo sẽ đưa ra gói biện pháp trừng phạt chống lại OPEC "từ bên trong" cũng như đe dọa họ cùng với một nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.

Dự luật đang được xem xét và có thể thông qua trong tương lai rất gần. Là một công cụ gây áp lực, Washington thỉnh thoảng đưa ra tin tức này như một nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến OPEC, tờ OilPrice nhận xét

Không có lý do mới nào làm gia tăng bất đồng giữa OPEC và Mỹ, nhưng Nhà Trắng đã quen với thực tế là các đối thủ cạnh tranh "phải bị xử lý" ngay cả khi tình hình không có vẻ đe dọa.

Theo các chuyên gia, hiện nay giá nhiên liệu ở Mỹ đã ổn định. Chúng cao hơn hai năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức của năm ngoái. Người tiêu dùng không gặp vấn đề gì khi mua hàng, chi phí tăng nhẹ không gây lo ngại.

Dự trữ nguyên liệu thô cũng có sẵn, báo giá dầu trong khoảng 70 đô la theo nhận xét là có lợi cho chính phủ Mỹ để bổ sung kho dự trữ chiến lược của mình.

Nói chung không có gì làm lu mờ thêm mối quan hệ vốn phức tạp giữa OPEC và Washington. Nhưng tình hình hiện nay hoàn toàn có thể gây ra sự hỗn loạn cho thị trường hàng hóa toàn cầu.

Giới phân tích đặt câu hỏi nếu người tiêu dùng Mỹ không bức xúc trước giá xăng dầu và việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC không ngăn được đà giảm của giá dầu thô, thì tại sao bây giờ OPEC lại có thể trở thành mục tiêu trừng phạt?

Tất nhiên lý do dẫn tới bước đi trên không phải là kinh tế mà là chính trị. "Sự khó chịu" lớn nhất của Mỹ theo đánh giá xuất phát từ những tin tốt từ khu vực Trung Đông thời gian gần đây.

Mối quan hệ hợp tác giữa Iran và Saudi Arabia thông qua sự trung gian hòa giải của Trung Quốc khiến Mỹ cảm thấy không vui vì có thể để một quốc gia quan trọng tại Trung Đông rơi ra ngoài tầm ảnh hưởng.

Không chỉ có vậy, Ai Cập và Iran bắt đầu cải thiện quan hệ (với sự trung gian của Iraq). Tuy nhiên điều "tồi tệ nhất" đối với Washington là Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đã trở lại Liên đoàn Ả Rập.

Trước tình hình trên, nhìn sang các nước láng giềng của mình, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UE) và Iran đã đàm phán về việc phát triển quan hệ đối tác sâu sắc hơn.

Không thể bỏ qua những cuộc tiếp xúc ban đầu về khả năng hợp tác năng lượng giữa Iraq và Iran. Tất cả những tin tức "khủng khiếp" này đến liên tiếp khiến Nhà Trắng kích hoạt cơ chế trả đũa.

Dự luật trừng phạt OPEC (chỉ đơn giản là cấm sự tồn tại của tất cả các loại tập đoàn và hiệp hội kinh doanh dầu mỏ), vẫn được Mỹ tung hứng như một thanh gươm dự báo sẽ gây ra tác động rất lớn.

Đây có thể là một phản ứng đối với các nước Ả Rập thuộc OPEC, đồng thời chính là lời cảnh báo gửi tới những quốc gia khác do bình thường hóa quan hệ với Iran và Syria, biện pháp này được đưa ra với lý do bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, tờ OilPrice kết luận.