Mỹ biên chế siêu tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia hiện đại

ANTD.VN -  Tổng thống Biden chủ trì lễ biên chế tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia mang tên USS Delaware sau hai năm trì hoãn, lễ biên chế diễn ra giữa lúc chiến sự Ukraine căng thẳng và Nga đang lên án sự can thiệp của NATO.

Trong lễ biên chế tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virghinia mang tên USS Delaware tại cảng Wilmington, bang Delaware ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định chiến hạm mới "sẽ củng cố an ninh quốc gia không chỉ cho chúng tôi, mà còn cả các đồng minh và đối tác".

Tàu ngầm USS Delaware được hạ thủy hồi tháng 10/2018 và được hải quân Mỹ tiếp nhận tháng 4/2020. Tuy nhiên, lễ biên chế tàu ngầm hạt nhân này đã bị trì hoãn suốt hai năm qua do đại dịch Covid-19.

Trong lễ biên chế tàu ngầm USS Delaware, Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden kêu gọi các sĩ quan và thủy thủ đoàn "mang lại sức sống cho chiến hạm của chúng ta". Thủy thủ đoàn sau đó hô vang "rõ thưa bà" rồi đứng dàn đội hình trên con tàu tại cảng.

Bà Jill Biden từng nhận lời làm người bảo hộ và tới làm lễ rửa tội cho tàu ngầm USS Delaware trong lễ hạ thủy gần 4 năm trước.

Người bảo trợ một chiến hạm do Bộ trưởng Hải quân Mỹ chỉ định, tham gia lễ biên chế, loại biên và thực hiện nghi thức rửa tội cho con tàu. Người bảo trợ cũng duy trì liên hệ trọn đời với chiến hạm, thủy thủ đoàn và thân nhân của họ.
Tàu ngầm USS Delaware là con tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược thứ 18 trong lớp tàu ngầm tấn công Virginia.
Đây là lớp tàu ngầm được thiết kế như tàu ngầm hạt nhân đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.
Hiện nay phiên bản mới nhất của loại tàu ngầm hạt nhân tấn công này vừa đi vào trang bị là Virginia Block IV. Đây là phiên bản được thiết kế để giảm chi phí bảo trì và tăng vòng đời. Mỹ đang tiếp tục đóng phiên bản Virginia Block V.
Virginia Block IV được trang bị bổ sung 4 ống có khả năng mang 7 tên lửa hành trình Tomahawk, hoặc tên lửa siêu vượt âm, tên lửa chống hạm mới, máy bay không người lái (UAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV) của Mỹ.
Tàu ngầm lớp Virginia Block IV mang được 40 tên lửa hành trình, cho phép Mỹ rút bớt tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio cải hoán, bù đắp thiếu hụt về hỏa lực tên lửa tầm xa trong "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường" với Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó tàu còn trang bị 4 ống phóng lôi cỡ 533 mm, tương thích với ngư lôi hạng nặng Mk 48 hoặc tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon.
Để giảm độ ồn tối đa, xung quanh tàu ngầm được trang bị lớp ngói bọc bằng cao su.
Bên trong tàu cũng được thiết kế và bọc các vật liệu để thiết bị va chạm, cọ xát cũng không gây ra tiếng ồn lớn khi hoạt động dưới lòng biển (hình ảnh thiết bị liên lạc trên tàu ngầm lớp Vigirnia).
Đa phần cửa ngăn cách giữa các khoang trên tàu được thiết kế theo hình tròn để đảm bảo kết cấu chịu lực của con tàu.
Các hệ thống máy móc đều được bọc phủ một lớp chống ăn mòn rỉ sét để đảm bảo con tàu vận hành một cách trơn tru nhất.
Kho chứa thực phẩm trên tàu với lượng đồ ăn mang theo có thể giúp tàu hoạt động liên tục hàng tháng trời dưới lòng đại dương.
Virginia cũng là lớp tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Mỹ được thiết kế với khả năng tiếp nhận hoặc triển khai 9 lính đặc nhiệm hải quân SEAL trong khi tàu vẫn đang ở chế độ lặn.
135 thủy thủ trên tàu sẽ chia nhau trong 3 ca trực để điều khiển con tàu nặng tới 9.300 tấn này.
Hải quân Mỹ dự định chế tạo tổng cộng 48 tàu ngầm loại này, hiện đã có 14 chiếc hoàn thành và đi vào hoạt động, 4 chiếc khác đang trong quá trình thi công và hiện thêm 9 chiếc vừa được đặt hàng.
Lớp cuối cùng sẽ là Virginia Block VI kế nhiệm Block Y với nhiều cải tiến sâu rộng, sau đó là lớp tàu ngầm hạt nhân hoàn toàn mới SSN(X) sẽ được phát triển sau năm 2030.
Trước việc Australia đạt thỏa thuận với Mỹ và Anh để khởi động chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân, thông qua liên minh 3 bên mới được thành lập AUKUS, giới phân tích cho rằng tàu ngầm hạt nhân của Australia sẽ trông giống lớp Virginia của Mỹ hoặc Astute của Anh.