Mỹ bị 'gậy ông đập lưng ông' khi phong tỏa kho dự trữ ngoại hối của Nga

ANTD.VN - Phong tỏa kho dự trữ ngoại hối của Nga bị nhận xét là bước đi sai lầm lớn mà chính quyền Mỹ đã thực hiện.

Trong năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Nga. Đặc biệt, phương Tây đã phong tỏa kho dự trữ ngoại hối trị giá tới hơn 300 tỷ USD của Moskva.

Chuyên gia tài chính, cựu cố vấn Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) - ông James Rickards trong bài viết đăng tải trên tờ The Daily Reckoning (TDR) mới đây đánh giá rằng chính quyền Washington đã đi quá xa và bây giờ họ đối diện rắc rối chẳng hề nhỏ.

Ông James Rickards nhấn mạnh: “Washington đã lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, nghiêm trọng nhất là đóng băng tài sản, bao gồm cả khoản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga”.

Trước diễn biến trên, xu hướng dần từ bỏ đồng đô la Mỹ đã xuất hiện trên khắp thế giới, điển hình là việc ngày càng có nhiều quốc gia giảm lượng USD trong dự trữ ngoại hối của họ.

Từ bài học của Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ hiểu rằng ngày mai họ có thể rơi vào tình trạng tương tự Mosvs. Chính vì vậy những nước trên đang tích cực giảm lượng USD dự trữ đồng thời tìm kiếm công cụ mới sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Một cuộc họp vừa được tổ chức ở Đông Nam Á, với sự tham gia của nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu khu vực, rõ ràng nhiều nước đang lo sợ khi chứng kiến Mỹ ngày càng tích cực sử dụng đồng USD như vũ khí để gây áp lực trong tranh chấp địa chính trị.

Trong khuôn khổ hội nghị, Cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong đã lên tiếng ca ngợi các ngân hàng trung ương Đông Nam Á nhanh chóng phát triển hệ thống thanh toán kỹ thuật số bằng đồng nội tệ.

Không chỉ có vậy, ông Lembong còn kêu gọi các quan chức chính phủ nhanh chóng tìm ra cách thức mới và có bước đi cụ thể nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD.

Cựu cố vấn CIA nói thêm, gần đây chính sách tài chính của Mỹ hứng chịu chỉ trích ngày càng gay gắt. Nghiêm trọng hơn, lời phàn nàn lại đến từ các quốc gia có truyền thống ưa thích đồng USD và được coi là đối tác đáng tin cậy của Washington.

"Nếu Đông Nam Á tham gia cùng Nga và Trung Quốc - những quốc gia từ lâu đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào ảnh hưởng của USD thì trong tương lai, Washington sẽ phải đối mặt với sự suy yếu nghiêm trọng của đồng tiền nội tệ".

"Trên thực tế, việc tìm kiếm một hệ thống tiền tệ quốc tế mới, độc lập hoàn toàn với Mỹ đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới", ông James Rickards kết luận.

Không chỉ gặp rắc rối với đồng USD thực, quyền lực toàn cầu của Washington dựa vào đồng đô la dầu mỏ (petrodollar) cũng sẽ chấm dứt khi đối diện nguy cơ không còn là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Đồng đô la dầu mỏ đã hỗ trợ đồng USD trong vai trò một loại tiền tệ toàn cầu, sau khi Tổng thống Nixon đóng cửa sổ bản vị vàng vào năm 1971, chấm dứt hệ thống tài chính Bretton Woods hình thành từ sau Thế chiến thứ hai, đã trao cho đồng USD vai trò tiền tệ dự trữ

Mặc dù vậy, Washington bị nhận xét đã lạm dụng vai trò đồng tiền dự trữ thế giới của đồng USD thông qua các biện pháp trừng phạt và tịch thu tài sản của những thể chế mà họ không thích.

Sự việc nghiêm trọng đến mức nhiều quốc gia hiện muốn giải quyết sự mất cân bằng thương mại bằng đồng tiền của chính họ hoặc đồng tiền khác để tránh bị Mỹ thao túng, nhằm phục vụ lợi ích bản thân hơn là của Washington.