Muôn hình vạn trạng "chặt chém" khách du lịch

ANTĐ - Lễ hội đầu xuân ở các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các đình chùa nhiều dịch vụ, hàng quán thừa cơ hội “chặt chém” khách du lịch. Dù biết điều đó nhưng chúng ta vẫn phải hài lòng.
"Mua" tiền lẻ


Muôn hình vạn trạng "chặt chém" khách du lịch ảnh 1

Dịch vụ đổi tiền lẻ ngay tại cổng chùa

Du khách đến chùa thường đổi tiền lẻ để bỏ vào hòm công đức. Dịch vụ đổi tiền lẻ ở cổng chùa vì vậy rất phát triển. Ngay tại nơi bán vé tham quan thắng cảnh ở lễ hội chùa Hương, cách bến đò gần 2km đã có những cò mồi đổi tiền lẻ, những người này thường đưa ra tỷ lệ 10 ăn 8 (cứ 100 nghìn thì đổi được 80 nghìn tiền lẻ) và càng vào trong chùa đổi tiền càng đắt để dụ khách hàng. Trên thực tế, khách hàng bỏ ra 100 nghìn thường chỉ đổi được 50-60 nghìn tiền lẻ. Nhiều tour du lịch đã bị lừa tiền triệu theo kiểu này, đây là thực tế tồn tại ở hầu hết các lễ hội đầu xuân.

“Vay lãi” người bán

Ở những điểm đến như Yên Tử , Tây Thiên… hiện tượng này không thiếu. Khách hàng khi ghé vào sạp hàng nếu không hỏi giá trước thì khi thanh toán sẽ chịu một cái giá gấp hai, ba lần giá trị thực của mặt hàng, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm, đồ uồng… Có trường hợp khách hỏi giá trước nhưng khi thanh toán vẫn phải chịu mức giá cao hơn. Tại Yên Tử, một cốc nước mía giá từ 20 đến 30 nghìn tùy từng khách, một hộp sữa chua cũng có giá 15 nghìn. Tất cả các mặt hàng đều bị đội giá lên cao, người bán lấy lý do là vận chuyển hàng hóa khó khăn, phải thuê người đưa hàng dưới chân núi lên vì thế các mặt hàng đắt đỏ. Khách dù muốn hay không vẫn phải trả tiền vì bánh kẹo đã ăn, nước đã uống, có đôi co với người bán cũng chẳng được lợi lộc gì.

Mua chỗ công cộng

Với những cuộc hành trình dài, du khách thường phải nghỉ chân giữa đường. Mấy cái ghế, một cái chiếu hay vài mảnh gỗ để dưới gốc cây… du khách chỉ cần ngồi xuống là đã mất tiền. Không biển báo, không người hướng dẫn, nhưng khi có “con mồi” dính bẫy là sẽ có người xuất hiện để thu tiền. Giá của mỗi lần nghỉ như thế khoảng 20 nghìn đồng. Một ngày đã có không biết bao nhiêu du khách bị "móc túi" số tiền như thế. Theo anh Nguyễn Văn Thắng, ở Văn Phú – Thường Tín – Hà Nội cho biết: leo đến đỉnh Tây Thiên, thấy cái ghế nhựa cũ để đấy, vừa ngồi nghỉ vài phút, có một bà chạy ra đòi 10 nghìn đồng tiền ghế ngồi. Mình thấy khoản tiền này thật vô lý, nhưng chẳng lẽ thanh niên lại đi cãi nhau vì 10 nghìn đồng?

Tại Yên Tử, không phải ngẫu nhiên mà ở một vài khe suối lại xuất hiện những chiếc chậu hứng nước, nhiều du khách thấy nước trong mát thì đến rửa mặt. Nhưng rửa mặt xong rồi thì họ mới biết rằng đây là một “gian hàng” của người dân địa phương, khách rửa mặt mũi chân tay xong thì mất 5 nghìn mua nước suối mà chẳng dám kêu ca.

"Gian hàng" nước suối

Thực trạng trên đã tồn tại nhiều năm, ban tổ chức quản lý lễ hội vẫn làm ngơ khiến những dịch vụ này đang dần trở thành tệ nạn của xã hội. Ý thức người dân cũng chưa được nâng cao, khách du lịch cũng bằng lòng bị chặt chém… Không biết những hiện tượng trên còn tồn tại đến bao giờ và du khách biết tìm “thiên đường” nào để nghỉ ngơi, thư giãn???