Mừng, nhưng vẫn còn lo

ANTD.VN - Năm 2017 sắp khép lại, nền kinh tế nước ta vừa lập một kỳ tích: kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục chưa từng có - 400 tỷ USD. Con số ấn tượng này đánh dấu vị thế Việt Nam trên bản đồ giao thương quốc tế. 

Đặc biệt là sau giai đoạn 2007-2015 bị xếp hạng nhập siêu, nhưng bước sang năm 2016 đã bứt phá ngoạn mục trở thành nước xuất siêu, quy mô nền kinh tế đạt mốc 200 tỷ USD. Kỳ tích có phải dấu hiệu đáng mừng với nền kinh tế?

Dưới con mắt quan sát của giới chuyên gia, từ năm 2005 đến nay, khu vực doanh nghiệp Việt Nam liên tục nhập siêu, trong khi DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu, chiếm tới 72% tổng xuất khẩu cả nước. Rõ ràng cái lợi lớn nhất của giá trị xuất khẩu đều chui vào túi doanh nghiệp FDI. Một chuyên gia kinh tế nói thẳng rằng, khu vực FDI mang lợi cho người dân công ăn việc làm, tiền làm thuê. Doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi, “chiều chuộng” đủ thứ nên họ mượn đất, thuê lao động Việt Nam gia công hàng hóa để xuất khẩu mang về lợi nhuận.

Thành tích tăng trưởng xuất khẩu góp phần vào GDP, song người dân chưa thực sự được thụ hưởng thành quả. Nếu chỉ để doanh nghiệp FDI biến Việt Nam thành “cứ địa” xuất khẩu mà không có sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ, thậm chí tận dụng nhân công rẻ, điện nước rẻ, môi trường rẻ thì không ổn cho nền kinh tế. Dường như khu vực FDI đã tận dụng tốt hơn những cơ hội từ hội nhập kinh tế, nhất là cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do. 

Ngoại lực là quan trọng, song nội lực rất cần thiết. Dựa vào ngoại lực, nền kinh tế có thể vượt qua chặng đường khó khăn ban đầu, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực, tiềm năng và sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, giới chuyên gia cảnh báo thực trạng không bảo vệ được thị trường trong nước mà cứ hăm hở xuất khẩu để thị trường nội địa chiếm lĩnh, chèn ép, thì hệ lụy, hậu quả tất yếu là giảm năng lực sản xuất, giảm sút sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Rốt cuộc chỉ người dân chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Đằng sau kỳ tích 400 tỷ USD vẫn lộ rõ tình trạng làm thuê, lấy công làm lãi, tỷ trọng nội địa trong hàng xuất khẩu rất thấp. Vì thế, mừng thì mừng thật, nhưng nỗi lo còn đó nếu không tránh được tác động ngược vào sản xuất trong nước và đời sống người dân.