Mưa lũ gây thiệt hại cho nhiều địa phương

(ANTĐ) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, từ nay đến cuối tuần, khu vực Hà Nội và vùng lân cận sẽ có mưa giông lớn về chiều tối, trong cơn giông cần đề phòng tố lốc và gió giật mạnh.
Trong một diễn biến khác, chiều tối 29 rạng sáng 30-6, trên địa bàn cả nước đã có mưa rào và giông với cường độ lớn. Đặc biệt, mưa lớn tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đã gây ra thiệt hại lên tới chục tỷ đồng.

Nước lũ làm sạt, hỏng kè suối Nậm Cấu ở khu 8 - Ảnh: Báo Lai Châu 
 Nước lũ làm sạt, hỏng kè suối Nậm Cấu ở khu 8 - Ảnh: Báo Lai Châu

Cụ thể, tại huyện Mường Tè, Lai  Châu, vào đêm rạng sáng ngày 30-6, mưa lớn tập trung tại bản Nậm Cấu, xã Bum Tở, lượng mưa lên tới 339mm đã gây ra lũ quét và sạt lở đất. BCH PCLB tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến 16h hôm qua 30-6, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích, nhiều diện tích hoa màu, cây cối và nhà cửa của người dân bị sụp đổ. Ước sơ bộ thiệt hại sơ bộ ban đầu lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. BCH PCLB tỉnh nhận định, thiệt hại chắc chắn sẽ còn tăng do các bản ở cách xa nhau chưa thống kê được cụ thể. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng cứu hộ trên địa bàn huyện đã tập trung giúp bà con khôi phục nhà cửa, tìm kiếm nạn nhân mất tích. Trên địa bàn huyện Chư Prông - Gia Lai, do mưa lớn 3 ngày qua gây lũ cũng đã làm thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Rất may, không có người nào bị thiệt mạng trong lũ.

Ngay trên địa bàn TP Hà Nội, sau cơn mưa giông lớn vào tối 29-6, nhiều cây lớn trên địa bàn đã bị gãy đổ. Thống kê của Công ty Cây xanh Hà Nội cho thấy, có 56 cây bật gốc, đổ, 32 cây bị gãy cành.

Trước dự báo mưa, giông lớn trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao các Sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan chủ động trong công tác tiêu thoát nước đô thị, đảm bảo trật tự ATGT trong mùa mưa bão.

Theo đó, UBND TP yêu cầu, các đơn vị chuyên ngành thoát nước nạo vét hệ thống mương, cống, ga, rãnh thoát nước; xử lý các điểm vi phạm, lấn chiếm, đảm bảo thông thoát khi có mưa lớn xảy ra; sẵn sàng hoạt động 100% công suất Trạm bơm đầu mối Yên Sở và các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị khác... Các nắp ga, nắp cống bị mất, bị hỏng, các tuyến dây cáp, dây điện bị đứt, võng, tổ chức duy tu các đoạn đường bị “ổ gà”, sụt lún... phải được kiểm tra, thay  thế để đảm bảo ATGT, nhất là khi có mưa bão, úng ngập xảy ra. Các đơn vị duy tu, duy trì đảm bảo mặt đường êm thuận, khắc phục mặt đường bị hỏng sau úng ngập.

Tin cùng chuyên mục