- Được đánh giá là một trong những gương mặt biên đạo múa sáng giá - người lấp khoảng trống kịch múa Việt Nam, nhưng có vẻ như công việc của chị cũng không được nhiều công chúng biết đến?
- Nghiệp biên đạo múa vốn dĩ rất âm thầm, phần lớn thời gian tôi dành cho chính bản thân để thực sự cảm nhận về những gì cảm xúc từ cuộc sống mang lại cho mình, và nuôi dưỡng tình yêu với nó đến lúc nó chính là một phần không thể thiếu, quen thuộc đến mức có thể mang cảm xúc đó chia sẻ với mọi người... Thời gian qua tôi đã cùng với ê-kíp biên đạo múa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam làm kịch múa “Mệnh trời tình đất”, và nhận lời mời của các đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc từ Bắc vào Nam. Trong 2 đợt Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc tại Sơn La và Buôn Ma Thuột sẽ có khoảng hơn 10 tác phẩm múa do tôi biên đạo, hy vọng sẽ mang lại những sắc màu dân tộc phong phú, độc đáo nhưng cũng hết sức hiện đại.
- Chị quan tâm những gì đến nghệ thuật múa Việt Nam, hình như các biên đạo múa đang ít dần đi?
- Theo tôi chúng ta cũng có nhiều biên đạo trẻ, họ cũng rất tài năng, sáng tác những đề tài hiện đại, hay tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ cơ thể rất tốt, nhưng vở diễn lớn về đề tài cách mạng hay lịch sử phải có sự đầu tư lớn, mà đầu tư lớn thì đâu đến lượt họ được làm. Điều quan trọng là họ không có cơ hội để được trưởng thành và được già, có lẽ tôi là một trường hợp cứng đầu đặc biệt. Bên cạnh đó, cũng có những biên đạo múa chất “nghệ” thì ít mà “sỹ” thì nhiều, “bệnh” thích lăng-xê, thích nổi tiếng, đâu đâu cũng thấy như một bệnh dịch, chính nghệ sỹ đã vô tình đánh mất khán giả của mình. Nhưng tôi vẫn đi trên con đường của múa, giờ đây khi chuyển sang công tác tại Cục Nghệ thuật biểu diễn tôi có thể gần những người trước đây là sinh viên của mình, nay ở các đơn vị nghệ thuật là nghệ sỹ, là đồng nghiệp, cùng nhau tìm ra con đường đi mới, tạo nên tính hấp dẫn mới cho nghệ thuật múa ở một bước cao hơn đó là rời ý tưởng nghệ thuật đến với khán giả, vì khán giả.
- Ai là người vẽ chữ “vũ” lên cuộc đời của chị?
- Tôi chọn múa… hay… múa chọn tôi (?!) Giờ tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng múa là một người bạn tri kỷ chân thành, chung thủy nhất luôn song hành bên cuộc đời tôi, nó luôn có mặt khi tôi vui, hạnh phúc hay những lúc tôi buồn nhất, đau khổ nhất, cô đơn nhất.
- Chị tài năng, xinh đẹp! Nhưng người ngoại đạo thật khó mường tượng những khó khăn mà chị đã trải qua để được như ngày hôm nay?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình xinh đẹp nếu có chăng là một chút duyên vốn có của phụ nữ? Còn tài năng? - Có lẽ là tôi luôn sống hết mình, rất khó khăn để tôi thực sự yêu một điều gì đó, nhưng nếu tôi đã yêu có nghĩa là tôi đã hoàn toàn bị nó chinh phục và tôi sẽ cháy hết mình cho điều mình yêu! Những khó khăn hay sự hy sinh vì tình yêu của chính mình thì luôn đẹp và hạnh phúc, nếu luôn nghĩ như vậy thì khó khăn mấy mình cũng vượt qua được.
- Múa đã bao giờ khiến chị mệt mỏi?
- Có lẽ câu hỏi này nên đặt ngược lại. Không những múa không khiến tôi mệt mỏi mà chính những lúc quá mệt mỏi vì cuộc sống tôi lại tự cho phép mình ngưng lại, lặng lại một chút để múa, để cảm nhận lại về sự khó hiểu và phức tạp của chính mình, để nhắc mình hãy sống và suy nghĩ đơn giản để hạnh phúc hơn.
- Giá trị của nghệ thuật múa là đỉnh cao, nhưng ở nước ta vẫn chưa tôn vinh nó một cách xứng đáng, vậy niềm tin nào để chị nuôi dưỡng đam mê?
- Nghệ thuật nói chung của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, múa cũng vậy, nhất là để tổ chức một vở vũ kịch lớn, hội tụ nhiều tài năng thực thụ, vở diễn có tầm, có giá trị nghệ thuật cao nhưng lại phải hấp dẫn để thu hút được khán giả đến với nghệ thuật múa thì vô cùng tốn kém cả về kinh tế lẫn công sức lao động nghệ thuật, không phải của một hay hai người mà là mấy chục con người. Trước đây, một năm tôi dựng được 3 vở kịch múa lớn là “Carmen; Don Quixote; Chiến thắng mùa hoa đào” hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa nghệ thuật từ đầu tư, dàn dựng, quảng bá và công diễn. Nhưng đó là cố gắng “ngắc ngoải” quá đơn độc của mình và những thế hệ sau mình vẫn còn nhiệt huyết. Đúng là vẫn phải có một “bàn tay lớn”, đó là Nhà nước để quan tâm đến một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc và bác học trên thế giới vì nó quá đồ sộ. Chỉ có sự kết hợp, quan tâm đầu tư có địa chỉ của Nhà nước với sự xã hội hóa tự vận động thì mới ra đời đuợc những vở diễn thực sự có tầm.
- Nghĩ về tương lai bộ môn đỉnh cao của ngôn ngữ nghệ thuật cơ thể, những biên đạo múa như chị sẽ phải làm những gì?
- Tôi không biết những biên đạo khác thì như thế nào? Còn tôi thì thường không suy nghĩ gì nhiều mà chỉ cố gắng làm hết khả năng. Tôi cũng luôn nghĩ không phải tác phẩm nào mình thích thì khán giả cũng thích hoặc ngược lại. Nghệ thuật nào cũng có “đất” và khán giả riêng của nó. Múa là nghệ thuật đòi hỏi cả người làm nghề và người thưởng thức nó phải có một sự kiên trì và thẩm mỹ nghệ thuật nhất định. Múa không dung nạp những con người hời hợt, hiếu kỳ, hay thể hiện sự xa hoa, đẳng cấp, mà nó sẽ đón nhận những người giàu tình thương, biết yêu, biết ghét, không vô cảm trước cuộc sống và đặc biệt là sự “TINH TẾ” trong cảm xúc. Và chúng tôi, những người nghệ sỹ thì vẫn làm công việc của mình là sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật cũng có lúc thăng lúc trầm, hy vọng ngày đó sẽ không quá xa, nó sẽ cực thịnh khi tôi vẫn còn trên cõi đời này.
- Thì người ta bảo Tuyết Minh ngày trước vừa “gấu” vừa “máu” với nghề, sẵn sàng hy sinh nhiều thứ vì đam mê ballet?
- Bây giờ tôi mới chính thức được nghe anh nói về sự đánh giá của mọi người về tôi như vậy đấy. (Cười) Nghe vậy thấy tôi có vẻ “xã hội đen” quá! Có lẽ tôi cũng già rồi mà. Cuộc đời cũng dạy cho mình quá nhiều bài học để làm gì cũng phải đắn đo, suy nghĩ, vả lại đâu còn nhiều thời gian để phung phí vào thể nghiệm, mỗi bước đi là phải vững vàng và chắc chắn thì mới tạo được sự tin yêu của các em sau mình. Tôi không thể làm gì nếu không còn sự ủng hộ và sát cánh của những người đồng nghiệp, những sinh viên đã đồng cam cộng khổ với mình, và trách nhiệm không thể để họ mất niềm tin.
- Lâu lâu thấy đoàn múa Khám phá mà chị là Trưởng đoàn có vẻ kín tiếng?
- Bây giờ thì tôi cũng có thể hé lộ với anh rằng trong đợt vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng vừa qua của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, kịch bản kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” của tôi đã vinh dự được tuyển chọn. Tôi đang cố gắng huy động nguồn tài chính để vở diễn này sẽ sớm được phục vụ khán giả Thủ đô và hàng nghìn sinh viên của các trường đại học trước hết là ở Hà Nội. Tôi tự hứa với chính mình đây sẽ là câu chuyện về những người cộng sản hoàn toàn khác với cách kể chuyện thông thường, sẽ hun đúc được lòng yêu nước của thế hệ trẻ và để họ thực sự hiểu thế nào là nghệ thuật múa và cách thưởng thức một vở vũ kịch.
- Thời buổi khó khăn như hiện nay, chị còn dám bỏ tiền túi với một con số rất lớn ra để chinh phục nghệ thuật như đã từng làm với “Carmen; Don Quixote” như trước?
- Tôi tự nhận mình là người nhanh nhạy vì khả năng chịu khó tìm tòi, kinh doanh nên ít nhiều ứng dụng được vào hoạt động nghệ thuật. Không có cái gì là bất biến, tùy vào hoàn cảnh mà có phương hướng sao cho phù hợp, hiệu quả và quan trọng nhất là vở diễn ra đời. Nếu có khó khăn thì là vì con người tài năng, tâm huyết ở thời điểm này không bằng thời điểm tôi làm “Carmen; Don Quixote”, lứa các em đều đã chuyển sang đi học, làm thầy, bỏ múa ballet, lứa sau thì còn non nớt quá, và công việc ở cơ quan mới thì cũng rất bận nên phải cân đối và điều hòa thời gian vì đã làm là không thể lùi.
- Chị có nghĩ rằng nghề múa rất ngắn ngủi không?
- Nghề nào cũng vậy thôi, ngắn hay không là ở chính mình, tôi cũng đã qua diễn viên, cũng diễn những vở ballet hiện đại lớn, những tác phẩm múa ngắn và kịch múa của Việt Nam, rồi chuyển sang làm thầy, biên đạo múa rồi quản lý nghệ thuật; đến giờ vẫn đang làm nghề múa và có lẽ sẽ gắn với nó suốt đời.
- Chị có tin rằng khán giả đến với nghệ thuật ballet sẽ nhiều hơn không?
Khán giả Việt - họ là những người biết thưởng thức nghệ thuật và cũng kén nghệ thuật; tôi nghĩ rằng nếu có tác phẩm hay, quảng bá tốt, thì nhất định họ sẽ đến với nghệ thuật múa.
- Cảm ơn và chúc chị thêm thành công!