Lực lượng Quản lý thị trường:

Một tháng, tịch thu gần 70.000 mũ bảo hiểm vi phạm

ANTĐ - Kết quả đáng ghi nhận này của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên toàn quốc, nhất là tại các thành phố lớn, theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương, là do đã “gắn” và “kéo” được trách nhiệm của người đứng đầu các Chi cục QLTT địa phương vào cuộc quyết liệt.
Lực lượng QLTT kiểm tra một cơ sở kinh doanh MBH vi phạm

Đầu tháng 3-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ngay sau đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục QLTT đã có yêu cầu tất cả các Chi cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng loạt tiến hành đợt cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp máy.  Đợt “cao điểm” xử lý mũ bảo hiểm này, lãnh đạo Cục QLTT cho biết, trước mắt tập trung ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. 

Trong gần 1 tháng ra quân xử lý mũ bảo hiểm vi phạm, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 2.300 cơ sở kinh doanh; qua đó phát hiện vi phạm hành chính đối với hơn 1.100 cơ sở; tịch thu, tạm giữ gần 70.000 chiếc mũ với tổng số tiền xử phạt được hơn 330 triệu đồng. “Chúng tôi dự tính ít nhất phải sau 2 tuần tích cực kiểm tra, xử lý thì mới đạt được chuyển biến trên thị trường mũ bảo hiểm. Nhưng thực tế chỉ sau chưa đầy 1 tuần, ở 5 thành phố lớn, sự chuyển biến tích cực trông thấy rõ. Như tại Hà Nội, hiện tượng bày bán mũ bảo hiểm không nguồn gốc xuất xứ đã giảm mạnh”, ông Trần Hùng chia sẻ.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng QLTT ghi nhận vi phạm chủ yếu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra là các hành vi vi phạm khác như vi phạm về đăng ký kinh doanh, không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm... “Để đối phó với cơ quan chức năng, người kinh doanh trưng bày lẫn lộn giữa mũ bảo hiểm thật, đạt chất lượng với mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, kém chất lượng”, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội phản ánh.

Tiếp nối động thái kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường mũ bảo hiểm, cơ quan chức năng phối hợp cùng một số nhà sản xuất mũ đã tổ chức “ngày hội” đổi mũ bảo hiểm. Có hơn 40.000 mũ bảo hiểm đạt chất lượng đã được quy đổi, phần nào cho thấy ý thức của người dân trong việc mua, đội mũ đạt chuẩn đã được nâng lên. Bên cạnh đó, người dân đồng tình cao với việc kiểm tra, xử lý trong hoạt động kinh doanh sản xuất mũ bảo hiểm. 

Lãnh đạo Cục QLTT khẳng định sẽ “không đánh trống bỏ dùi” đối với việc kiểm soát, xử lý vi phạm thị trường mũ bảo hiểm. Và trong thời gian tới, Cục sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, người tham gia giao thông chấp hành việc đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, không đội mũ bảo hiểm một cách hình thức, đối phó. Cục QLTT tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thành lập đoàn kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở sản xuất mặt hàng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và các loại mũ đội đầu khác trên địa bàn cả nước, với mục tiêu đạt được sự “an toàn” cho mũ bảo hiểm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.