Một số chính sách mới về xuất khẩu lao động áp dụng từ 1/1/2022

ANTD.VN - Bắt đầu từ ngày 1/1/2022 tới đây, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, một số chính sách nổi bật sẽ được áp dụng như cấm thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị ngược đãi, quấy rối tình dục…

Cụ thể, Điều 7, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi thu tiền môi giới của người lao động; Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định… Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Về điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã được Luật mới điều chỉnh tại Điều 10. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng thêm các điều kiện như: Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước; Người đại diện theo pháp luật có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm… (quy định hiện hành là 3 năm).