Một cựu thư ký trại phát xít 97 tuổi bị tòa án Đức kết án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 20-12, Irmgard Furchner bị kết tội là đồng phạm trong vụ giết hại hơn 10.500 người tại trại tập trung Stutthof của Đức Quốc xã trong Thế chiến 2. Người phụ nữ 97 tuổi này từng đóng vai thư ký cho chỉ huy SS của trại tập trung Stutthof.
Bà Irmgard Furchner, 97 tuổi, bị tòa án Đức kết tội là đồng phạm giết người vì đóng vai trò thư ký cho chỉ huy SS của trại tập trung Stutthof của Đức Quốc xã trong Thế chiến II

Bà Irmgard Furchner, 97 tuổi, bị tòa án Đức kết tội là đồng phạm giết người vì đóng vai trò thư ký cho chỉ huy SS của trại tập trung Stutthof của Đức Quốc xã trong Thế chiến II

Ra tòa ở tuổi 97

Irmgard Furchner bắt đầu làm thư ký tại trại tập trung Stutthof năm 18 tuổi, và làm việc ở đó từ năm 1943 đến 1945. Bà ta là người phụ nữ đầu tiên bị xét xử vì tội ác của Đức Quốc xã trong nhiều thập kỷ và có thể là một trong những người cuối cùng.

Vào thời điểm bị cáo buộc phạm tội, Furchner chưa đủ 21 tuổi nên nhân vật này bị buộc tội là vị thành niên. Và mặc dù bà ta làm nhân viên dân sự nhưng thẩm phán tin rằng bị cáo đã biết về những gì diễn ra ở trại tập trung. Furchner bị cáo buộc “hỗ trợ và tiếp tay cho những người phụ trách trại giết hại có hệ thống những người bị giam ở đó từ tháng 6-1943 đến tháng 4-1945 với chức năng là người viết tốc ký và đánh máy trong văn phòng chỉ huy trại”.

Theo Bảo tàng Holocaust của Mỹ, hơn 60.000 người đã chết tại trại Stutthof, gần Danzig, nay là Gdansk, Ba Lan. Trại được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai trong một khu rừng gần bờ biển Baltic. Nhiều nạn nhân chết trong phòng hơi ngạt hoặc bằng cách tiêm thuốc độc, những người khác chết vì đói và bệnh tật.

Irmgard Furchner bị kết án 2 năm tù treo. Trong lời cuối cùng, Furchner nói với tòa án: “Tôi xin lỗi về mọi chuyện đã xảy ra. Tôi rất tiếc là lúc đó đang ở Stutthof - đó là tất cả những gì tôi có thể nói”. Hồi tháng 9-2021, Furchner rời nhà ở Hamburg bằng taxi để cố gắng bỏ qua phiên tòa dự kiến bắt đầu vài giờ sau đó, nhưng đã bị bắt lại và cuối cùng bà ta cũng phải ra trước tòa.

Hồi tháng 6-2022, người lớn tuổi nhất từng tham gia điều hành các trại tử thần của Đức Quốc xã đã bị kết án 5 năm tù giam. Josef Schuetz bị kết tội là đồng phạm trong vụ sát hại khoảng 3.500 người tại trại tập trung Sachsenhausen, nhưng do tuổi cao (101 tuổi) và sức khỏe yếu, người này cũng chỉ phải ngồi tù 5 phút. Trước đó, tòa án Đức vào năm 2011 cũng đã kết án một cựu lính canh của Đức Quốc xã. Vụ án được đánh giá mang tính bước ngoặt, đặt ra tiền lệ rằng bất kỳ nhân sự nào trong các trại tập trung đều có thể bị buộc tội là đồng phạm giết người.

Thông điệp của bản án

Một bài xã luận trên The Globe and Mail của Canada có đoạn viết: “Có vẻ ngớ ngẩn khi mất thời gian và tiền bạc để truy tố một phụ nữ 97 tuổi từng công việc viết tốc ký cho chỉ huy trại tập trung khi mới 18 tuổi. Nhưng thời gian trôi qua không có nghĩa là có thể tha thứ cho tội giết người hàng loạt của một người ngay cả khi người đó ở tuổi đã cao vào thời điểm bị kết án. Công lý không có giới hạn về thời gian và nếu các nạn nhân của Holocaust phải sống với nỗi đau bị ngược đãi suốt đời, thì những người đồng lõa cũng phải trả giá về việc đó”.

Tuy nhiên, có một lý do khác để tiếp tục theo đuổi và truy tố những người tham gia vào bộ máy của các trại tử thần, đó là sự trỗi dậy đáng lo ngại của chủ nghĩa bài Do Thái, cả ở Đức và nước ngoài. Âm mưu của nhóm cực hữu

Reichsburger bị ngăn chặn gần đây, nhằm mục đích lật đổ chính phủ Đức, bắt nguồn từ các thuyết âm mưu cực hữu muốn đưa đất nước trở lại thời trước Đức quốc xã. Việc Đức truy tố ngay cả những chỉ huy Đức Quốc xã lâu đời nhất cũng như những kẻ hỗ trợ chúng được coi như một biện pháp đối phó với những thông tin sai lệch đang lan truyền đương thời.

Đó là một lời nhắc nhở về sự thật của Holocaust - nỗi kinh hoàng được coi là tội ác man rợ nhất của thế kỷ 20 để tránh mắc phải sai lầm của quá khứ không xa. Nhưng trên hết, đó là sự xác nhận rằng việc theo đuổi công lý không bao giờ có hồi kết, rằng ngay cả những thư ký 18 tuổi của Đức Quốc xã cũng có thể phải chịu trách nhiệm sau 80 năm. Một số người có thể coi đó là cách thức phù phiếm, hình thức nhưng cố gắng sửa chữa sai lầm của lịch sử là điều luôn có ý nghĩa và rất nên làm.