Một chỗ ngồi trên xe buýt

ANTĐ - Chiếc xe buýt số 30 từ xa tới đã giảm tốc độ. Nhìn qua kính xe phía trước, tôi đã thấy lo lo: Kiểu này là lại phải ở tư thế đứng suốt 3 cây số cho đến tận nhà đây! Nhưng... nghĩ vậy mà không phải vậy! Vì đi hai bước vào lòng xe, tôi bỗng thấy như đang sống giữa chiêm bao: giữa lòng xe kín người, vừa xuất hiện một chiếc ghế trống, chưa có ai ngồi.

Và thế là, tay xách túi công tác, tay văng mạnh, tôi lập tức xấn tới với vẻ tranh đoạt không che giấu. Tranh đoạt! Hiển nhiên là thế rồi. Vì chỗ ngồi chỉ có một. Mà quanh chiếc ghế trống ấy có cả đến dăm bảy người trẻ già đang đứng và tất nhiên họ cũng như tôi, đều đang mong muốn có được một chỗ ngồi. Đi xe buýt mà đứng nhong nhóng suốt thì còn gì khổ bằng!

Tôi đã xấn tới với vẻ tranh đoạt không che giấu. Và ngồi phịch xuống lòng ghế, tôi thở phào khoan khoái. Cuộc đời là thế. Nó luôn luôn có một cái gì đó nho nhỏ ở trước mặt ta, ta phải cố dành lấy được. Một chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên xe ô tô, trên máy bay. Một tấm vé xổ số trúng giải. Một lời khen nhân ngày tổng kết. Một giải thưởng trong các trò chơi trên ti vi. Một bữa ăn ngon. Một món lợi lộc...

  Tuy nhiên, sau khi yên vị trong lòng chiếc ghế nệm êm, tôi ngẩng lên và bỗng giật thót mình. Đứng ngay bên cạnh chiếc ghế tôi vừa nhanh chân dành đoạt được là một cháu gái nhỏ bé đeo chiếc cặp học trò căng phồng nặng chĩu sau lưng. Và đứng ở phía sau cháu là một người đàn ông tuổi trung niên, đeo kính đen, đội mũ lá cọ, bên nách cặp một chiếc nạng gỗ. Ông chỉ có một chân. Ông là một thương binh nặng. Hiển nhiên cả hai, cả người thương binh và em gái học sinh đều nhìn chiếc ghế tôi đang ngồi với ánh mắt đượm vẻ  tiếc nuối. Một tiếc nuối và có thể là chen lẫn thèm thuồng, thấp thoáng chút ghen tị. Và thế là tôi hiểu rồi. Chiếc ghế trống khi nãy đã là mục tiêu săn đuổi chiếm đoạt đâu có phải là của mình tôi. Tôi chẳng qua chỉ là kẻ nhanh chân mau mắn dành được thắng lợi trong một cuộc tranh đua mà thôi.

- Cháu bé ơi, cháu ngồi ghé vào cạnh bác đây nhé.

- Dạ, không ạ.

- Cháu bé ơi, cháu bỏ cái cặp ra để bác ôm hộ cho đỡ nặng.

- Dạ, không sao đâu ạ. Bác cứ ngồi đi ạ.

 Nhìn cái lắc đầu quầy quậy của cháu gái, tôi liền chống tay đứng dậy, quay về phía người thương binh. Đằng sau cặp kính đen của người thương binh là hai con mắt. Hai con mắt ấy nhìn tôi thế nào, khinh bỉ tôi hay dửng dưng với vẻ cao thượng ngấm ngầm. Rất có thể là cao thượng, kể cả cặp mắt cháu bé học sinh đây. 

- Anh thương binh ơi!  Anh ngồi  ghế này đi!

Tiếng nói mang màu sắc sám hối của tôi rơi vào hụt hẫng.  Người thương binh hình như không nghe thấy lời mời của tôi. Vì đúng lúc ấy, có người ở phía sau đã đưa tay kéo anh. Một ông già đã nhường chỗ cho anh. 

 - Cháu còn trẻ, cháu đứng một lúc cũng không sao. Bác cứ ngồi đi, bác ạ.

Cháu bé ngước nhìn tôi, khe khẽ. Ngượng nghịu, tôi ngồi trở lại chiếc ghế đang bỏ không. Lòng trắc ẩn là hệ quả của thói ngượng ngùng một khi đã biết lỗi lầm và cố tìm cách sửa chữa. Chao ôi! Giá như cháu bé chịu ngồi ghé vào cạnh tôi! Giá như cháu bé chịu bỏ cái cặp ra cho tôi ôm hộ! Giá như người thương binh chấp nhận lời mời của tôi.Thì tôi sẽ bớt đi  cái mặc cảm đang hành hạ tôi: Tôi là một lão già khôn ngoan  và đã dành được chút lợi lộc hơn người một cách thật là đê tiện! Thật là đê tiện! Không chịu nổi cắn rứt nọ, mấy phút sau,  như trốn chạy,  tôi đứng dậy xuống  xe ở bến Viện Âm Nhạc,  rồi đi bộ về nhà, cách đấy hai cây số.