Một cây bút văn xuôi có phong cách

(ANTĐ) - Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố Giáo sư Trương Tửu, một nhân vật lớn đầu thế kỷ XX, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản cuốn sách “Trương Tửu - tuyển tập văn xuôi”, cung cấp thêm một góc nhìn nữa về ông.

Một cây bút văn xuôi có phong cách

(ANTĐ) - Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố Giáo sư Trương Tửu, một nhân vật lớn đầu thế kỷ XX, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản cuốn sách “Trương Tửu - tuyển tập văn xuôi”, cung cấp thêm một góc nhìn nữa về ông.

Giáo sư - nhà văn Trương Tửu (18-11-1913/16-12-1999); nguyên quán làng Bồ Đề, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Sinh thời, ông được biết đến với tên tuổi của một nhà phê bình mác-xít và một lương y chữa bệnh, đồng thời là nhà văn sáng tác dưới nhiều bút danh. Ông viết khá nhiều và được coi là một trong những cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng đến nay không mấy ai còn nhớ những trang văn xuôi (bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn) in đậm tính luận đề và chất dã sử của Trương Tửu thời những năm 30, 40 của thế kỷ XX. 

Trong tác phẩm: “Nhà văn tiền chiến”, Nguyễn Vỹ nhớ lại: “Ngoài những khảo cứu văn học và triết học, Tửu cũng viết truyện. Truyện dài đầu tiên của Trương Tửu nhan đề Thanh niên S.O.S (1938) là tiếng kêu cứu của một thế hệ thanh niên đang suy sụp vì phong trào lãng mạn.

Kế tiếp là Một chiến sĩ và Khi chiếc yếm rơi xuống (1939). Cả ba đều do nhà Minh Phương 15 A, cư xá Văn Tân, phố Hàng Đẫy xuất bản... Bắt đầu đệ nhị thế chiến, ba quyển này đều bị Nha Thông tin và báo chí Pháp (I.P.P) cấm, vì đả kích xã hội An Nam thối nát dưới chế độ thực dân”.

Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã xếp tác phẩm của Trương Tửu mở đầu cho mục “Tiểu thuyết xã hội” (cùng với Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Nhượng Tống, Thanh Tịnh, Thụy An, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Nguyễn Vỹ) và nêu mấy ý kiến khái quát: “Những tiểu thuyết đầu tay của ông đều là tiểu thuyết tranh đấu, nghĩa là những tiểu thuyết có tính cách cải tạo và bênh vực một vài ý kiến của mình (…). Từ tiểu thuyết tranh đấu đến tiểu thuyết xã hội, tác giả chỉ cần đi một bước”...

Tuyển tập văn xuôi Trương Tửu PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) biên soạn gồm 10 tập tiểu thuyết và truyện được sáng tác trong khoảng 5 năm (1937-1942): Thanh niên S.O.S..., Một chiến sĩ, Khi chiếc yếm rơi xuống, Trái tim nổi loạn, Một cổ đôi ba tròng, Đục nước béo cò, Khi người ta đói, Một kiếp đọa đầy, Tráng sĩ Bồ Đề, Năm chàng hiệp sĩ... Riêng tác phẩm Thằng Hóm (1940?) tạm thời chưa tìm lại được vì bị tịch thu ngay lúc ở nhà in.

Hệ thống và nhận xét các tác phẩm của Trương Tửu trong tuyển tập này, tác giả Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh: “Các tác phẩm văn xuôi Trương Tửu bao quát một hệ thống chủ đề và phạm vi nội dung hiện thực rộng lớn: đương đại, lịch sử và dã sử; đấu tranh xã hội, gia đình và cá nhân; đấu tranh giai cấp, tình yêu và phong tục; thành thị, ven đô và nông thôn; trí thức, công chức và nông dân… Tác giả cũng sử dụng nhiều phong cách, bút pháp, giọng điệu khác nhau: đối thoại, độc thoại, dòng ý thức, ghi chép tư liệu, phóng sự, luận đề, sử liệu, thư từ…

Độc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn chương nước nhà. Hơn nữa, chính lối văn luận đề, giàu chi tiết hiện thực đời thường khiến cho tác phẩm của ông còn có thể trở thành điểm tựa của nhiều bộ môn liên ngành như lịch sử, báo chí, ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học…”.

Khải Mông