Moscow tuyên bố lệnh trừng phạt sẽ không khiến Nga nhượng bộ vấn đề Ukraine

ANTD.VN - Moscow khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như các quốc gia khác sẽ không bao giờ khiến Nga thay đổi lập trường hiện tại về vấn đề Ukraine.

"Họ đang tính buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm. Đây là chuyện không bao giờ xảy ra", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/3 cho biết khi được hỏi về loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga gần đây.

Ngoài các nước phương Tây thì còn có các quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Autralia, Đài Loan (TQ) và một số quốc gia khác tiếp tục các động thái trừng phạt Moscow.

Ông Peskov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo về vòng đàm phán đầu tiên giữa các quan chức Nga và Ukraine tại Belarus, song khẳng định còn quá sớm để đánh giá kết quả. Tổng thống Putin chưa có kế hoạch hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Phát ngôn viên Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga vẫn công nhận ông Zelensky là lãnh đạo Ukraine. Ông cũng khẳng định Tổng thống Zelensky có thể ngăn thương vong tăng lên nếu ra lệnh cho quân đội Ukraine hạ vũ khí.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó thừa nhận quân nhân nước này thiệt mạng và bị thương trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, song từ chối công bố chi tiết. "Chúng ta hãy chờ tới khi chiến dịch này kết thúc", ông Peskov nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc Nga tấn công mục tiêu dân sự, cũng như sử dụng bom đạn chùm và bom đạn nhiệt áp.
Ông Peskov khẳng định Nga không phạm tội ác chiến tranh, đồng thời cho biết "các nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine đang lấy dân thường ra làm lá chắn sống".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, Mỹ cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đóng băng tài sản của Ngoại trưởng Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin, song chưa rõ quyết định này gây ảnh hưởng ra sao.
Phương Tây cũng loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tin nhắn liên ngân hàng SWIFT, áp dụng biện pháp hạn chế ngăn Ngân hàng Trung ương Nga "sử dụng giao dịch tài chính quốc tế để nâng đỡ đồng rouble".
Những người giàu có tại Nga cũng không được phép sử dụng "hệ thống hộ chiếu vàng" để lấy quốc tịch châu Âu cho bản thân và thành viên gia đình.
Ở một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga nói rằng tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Kiev là "mối đe dọa thực sự" buộc Moscow phản ứng.

"Mối nguy hiểm từ chính phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với các nước láng giềng và an ninh quốc tế đã gia tăng nhanh chóng, sau khi chính quyền Kiev theo đuổi trò chơi nguy hiểm liên quan đến kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong hôm qua 1/3.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Ukraine vẫn nắm giữ công nghệ hạt nhân từ thời Liên Xô và những phương thức biến chúng thành vũ khí tiến công.

"Chúng tôi không thể không phản ứng với mối đe dọa thực sự này", ông nói và kêu gọi Mỹ thay đổi vị trí triển khai vũ khí hạt nhân tại châu Âu.
Mỹ và phương Tây đã chỉ trích Nga "tấn công vô cớ và phi lý". Trong khi đó, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya hôm 28/2 giải thích rằng, Moscow nhận được thông tin Kiev chuẩn bị động binh ở vùng ly khai Donbass trước khi bắt đầu chiến dịch tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Nga coi việc Ukraine gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ".

Trong ngày 1/3, lực lượng Nga mở nhiều đợt công kích vào những thành phố chủ chốt của Ukraine và tăng cường lực lượng đến thủ đô Kiev.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine và nằm ở đông bắc nước này, đêm qua tiếp tục hứng chịu các đợt pháo kích dữ dội.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều chớp sáng và tiếng nổ liên tục vang lên ở Kharkiv, nhiều khả năng là do hệ thống pháo phản lực phóng loạt gây ra.
Kharkiv trước đó đã hứng chịu các đòn pháo kích liên tiếp. Video được đăng trên Twitter cho thấy tòa nhà hành chính vùng trúng một quả tên lửa vào sáng 1/3, gây ra vụ nổ lớn.
Giới chức Kharkiv cho biết ít nhất 11 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong sự việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, chiến dịch ở Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi "hoàn thành các mục tiêu đặt ra", trong đó có "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine, cũng như bảo vệ nước Nga khỏi mối đe dọa quân sự từ các nước phương Tây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo Ngoại trưởng Antony Blinken giải phóng lập tức 350 triệu USD hỗ trợ Ukraine tăng năng lực phòng thủ, nhưng các quan chức Washington thừa nhận các gói viện trợ tới Ukraine hiện nay gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 12 triệu người tại Ukraine cần trợ giúp, khoảng một triệu người đã mất nhà cửa và hơn 677.000 người đã sơ tán ra nước ngoài.