Mới xử lý được "bề nổi" tình trạng trẻ em bị xâm hại

ANTD.VN - Mặc dù có rất nhiều chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em, bảo vệ trẻ em, song theo thống kê mới nhất, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị xâm hại. Thường những vụ việc này khó phát hiện, ít được tố giác, nên con số trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Thống kê trong 3 năm, từ 2015 - 2018 từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình là trên 20%; và gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Nhiều vụ việc gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin ảnh hưởng đến con em mình và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.
Điều 90 Luật Trẻ em quy định rõ, UBND cấp xã phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý, nhưng đến nay mới có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh, thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Nghĩa là mới có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai quy định này. Vì thế, trong nhiều trường hợp khi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em cũng loay hoay không biết liên hệ với ai ở cơ sở để thông tin, xử lý.
Hiện có 17 cơ quan, tổ chức cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em, dẫn tới những phân tán, chồng chéo. Cần có những quy định, gắn trách nhiệm cụ thể để trẻ em được bảo vệ một cách tốt nhất.