Vụ tạm giữ hàng nghìn bình gas tại Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long:

Mối nguy từ "quả bom nổ chậm" bình gas tái chế

ANTĐ - Hàng chục tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất vỏ bình gas đã bị phát hiện, thu giữ trong khuôn viên của Công ty THHH Khí đốt Thăng Long thuộc Cụm công nghiệp Quất Đông, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ huy Đội QLTT số 14 – Chi cục QLTT Hà Nội khẳng định: “Doanh nghiệp này không được cấp đăng ký kinh doanh sản xuất vỏ bình gas”. Và những bình gas cũ tái chế, nếu không kiểm soát được chất lượng sẽ chẳng khác nào “quả bom nổ chậm” đối với người tiêu dùng.

Mối nguy từ "quả bom nổ chậm" bình gas tái chế ảnh 1Hiện trường kho bãi của Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long

Sản xuất vỏ bình gas không phép

Chiều 5-8, chỉ huy Đội QLTT số 14 cho biết, đơn vị đang khẩn trương phối hợp cùng các lực lượng chức năng làm việc với một số cá nhân, tổ chức liên quan để xác định trách nhiệm và làm rõ dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khí đốt của Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long.

Như thông tin Báo ANTĐ đã đưa, chiều 3-8, Phòng An ninh kinh tế - CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 14 kiểm tra cơ sở kinh doanh khí đốt thuộc Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long. Lực lượng liên ngành phát hiện nhân viên công ty đang san chiết, nạp khí hóa lỏng LPG vào các bình gas mang hơn 10 nhãn hiệu khác nhau.

Kiểm tra 12 tay bơm, lực lượng chức năng phát hiện 6 tay không dán tem kiểm định và 5 cột bơm dán tem kiểm định nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, lực lượng chức năng phát hiện tại nhà kho của Công ty THHH Khí đốt Thăng Long có một cơ sở sản xuất vỏ bình gas. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất, sơn mới vỏ bình LPG mang nhãn hiệu Thăng Long gas chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa vỏ bình LPG.

Thống kê mới nhất được cơ quan chức năng thông tin ngày 5-8, đó là gần 1.000 vỏ bình gas của nhiều hãng khác nhau gồm 138 bình LPG Petrol Hoàng Long gas, trong đó có 48 vỏ bình đã hết hạn kiểm định; 87 bình LPG Total gas; 9 bình Thăng Long gas, vỏ bình đã hết hạn kiểm định; 740 vỏ bình các hãng gas khác, đã bị lập biên bản tạm giữ. Ngoài ra, tại cơ sở sản xuất vỏ bình, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 2.000 vỏ bình chưa hoàn thiện, 856 bình LPG đã sơn lót, 5.200 chiếc đế, 2.800 chiếc tai bình và 65 tấn thép cuộn để sản xuất vỏ bình gas. 

Nhiều dấu hiệu sai phạm

Theo đánh giá của cơ quan thực thi pháp luật, Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long được cấp giấy phép kinh doanh ngành nghề san chiết gas. Ban đầu, công ty này tuân thủ khá đầy đủ các quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng, đặc biệt đối với khâu hậu kiểm, nên doanh nghiệp này đã tìm cách “lách luật” để giảm bớt chi phí. Ban đầu, các tay bơm san chiết gas được cấp giấy chứng nhận kiểm định đầy đủ. Sau đó, công ty này đầu tư thêm 6 tay bơm khác nhưng không mang đi kiểm định, cho đến khi bị kiểm tra. 

Tại thời điểm đoàn liên ngành Công an - QLTT kiểm tra, 5 phiếu kiểm định trên các tay bơm đã mờ đến nỗi không thể đọc được tên cơ quan đã cấp giấy kiểm định. Hành vi làm trái quy định này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, vì cơ quan chức năng không đánh giá được những tay bơm san chiết gas này còn đảm bảo chất lượng hay không. Và rất có thể, nếu sai số, bình gas không đủ trọng lượng nhưng máy vẫn báo đủ. 

Cùng với những dấu hiệu sai phạm của Công ty TNHH khí đốt Thăng Long, cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ sự liên quan giữa công ty này với một doanh nghiệp khác, ở trong cùng thửa đất tại khu công nghiệp Quất Động. Theo chỉ huy Đội QLTT số 14, việc sản xuất vỏ bình gas khi không có giấy đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long đã khá rõ ràng. Nhưng đáng lo ngại không kém là khả năng doanh nghiệp thu mua vỏ bình trôi nổi trên thị trường rồi về “làm mới”.

Thực tế trên thị trường cho thấy, đã xuất hiện những doanh nghiệp thay vì đầu tư một vỏ bình gas mới với chi phí từ 500.000-600.000 đồng/bình thì họ chỉ việc thu mua các bình gas trôi nổi, số tiền bỏ ra chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3.

 Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể không ý thức được hậu quả hành vi hoặc cũng có thể biết vẫn cố tình làm, đó là bình gas trôi nổi được mua về sau khi bị “làm mới” sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của vỏ bình, trở thành “quả bom nổ chậm” đối với người tiêu dùng. Thông tin ban đầu cho biết, mỗi ngày, Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long đưa ra thị trường khoảng 3.000 vỏ bình gas. Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.