Mối nguy chủng virus độc lực cao

ANTĐ - Ngày 6-2, Bộ Y tế có công điện số 441/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người. 

Nguy cơ lây nhiễm, bùng phát cúm gia cầm từ các hoạt động vận chuyển, buôn bán thiếu kiểm soát

Virus cúm độc lực cao áp sát biên giới

Bộ Y tế cho biết: Hiện nay nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Từ ngày 1-1 đến nay, đã có hơn 110 ca nhiễm H7N9 trên toàn Trung Quốc, trong đó có 25 ca tử vong. Hai tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ virus  H7N9, riêng Quảng Đông có 43 ca bệnh. Trong năm 2013, nước này đã ghi nhận 147 ca nhiễm H7N9, trong đó 47 người tử vong. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc đã phát hiện virus cúm H7N9 tại một số chợ buôn bán gia cầm sống. 

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dù tại Việt Nam chưa ghi nhận virus H7N9 xuất hiện nhưng do virus này đã tiến sát biên giới Việt- Trung, nên khả năng lây lan dễ xảy ra. “Nhất là trong dịp Xuân, người dân đi lễ, hội đông đúc, lại thêm thời tiết thường ẩm ướt, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho cúm gia cầm lây lan và bùng phát”.

Tổ chức Thú y thế giới cũng vừa cảnh báo, tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã xuất hiện virus cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm. Cúm gia cầm H5N1 cũng đã bùng phát trở lại một số nơi tại nước này.

Tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã xuất hiện bệnh nhân bị nhiễm H10N8. Đây là lần thứ 2 chủng virus cúm này xuất hiện, trước đó được ghi nhận tại chợ gia cầm tỉnh Quảng Đông vào năm 2007. Các chuyên gia Trung Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo về loại virus cúm gia cầm mới này sau khi nó khiến một người tử vong hồi tháng 12-2013. H10N8 là chủng virus cúm gia cầm thứ 5 xuất hiện trong 17 năm qua tại Trung Quốc. Nó có khả năng xâm nhập vào các mô sâu bên trong phổi và có những đặc điểm khiến nó dễ lây lan từ người sang người. Hiện, cơ quan chức năng của Trung Quốc đang giám sát một trường hợp nhiễm virus H10N8 thứ 2 tại Nam Xương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ, bệnh nhân này nhiễm virus H10N8 như thế nào. 

Lơ là kiểm soát buôn bán gia cầm

Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa xác nhận trường hợp tử vong thứ 2, tại Đồng Tháp do cúm gia cầm H5N1 trong năm 2014. Bệnh nhân đầu tiên tử vong vào tháng 1-2014 vừa qua tại Bình Phước. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhận định, tại các địa phương này không công bố dịch cúm gia cầm xuất hiện. Kể từ năm 2003 tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 127 ca nhiễm cúm H5N1, trong đó 64 ca đã tử vong. 

Vào tháng 1-2014, dịch cúm gia cầm cũng đã được công bố xuất hiện ở tỉnh Bắc Ninh. Cục Thú y cho hay, dịch xảy ra tại 4 xã, phường của 4 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh này đã làm gần 10.000 con gia cầm mắc bệnh. Đây là ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên trên cả nước trong năm 2014.

Trong khi đó, vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ gia cầm của các gia đình thường lớn hơn, dễ nảy sinh các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu từ Trung Quốc. Mặc dù, hoạt động này đã bị ngăn chặn đáng kể, nhưng do hai nước có đường biên dài, khó ngăn chặn triệt để, hoạt động mua bán, trao đổi giữa cư dân biên giới hai nước cũng khó kiểm soát. “Nguy cơ những chủng virus cúm gia cầm độc lực cao như H10N8, H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới”, ông  Phạm Văn Đông lo ngại. 

Ngoài hoạt động buôn bán qua biên giới có nguy cơ mang chủng virus mới vào trong nước gây lây nhiễm thì hoạt động buôn bán gia cầm trong nước dịp lễ hội Xuân cũng gây lo ngại, dịch có thể bùng phát diện rộng.

Tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, gia cầm lông (sống) bày bán rất nhiều phục vụ nhu cầu đi lễ đầu năm cho các gia đình. Mặc dù đã có quy định cấm buôn bán, giết mổ gia cầm lông trong nội thành, nhưng quy định này từ lâu đã bị phớt lờ. Chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Long Biên, dọc con phố Lĩnh Nam… gia cầm lông được bày bán la liệt. Người bán giết mổ ngay trên vỉa hè, tại chợ.

Kết quả giám sát của Cục Thú y tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy, tỷ lệ mẫu vịt dương tính với virus H5N1 là 5,6%; tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 lên tới hơn 61%. Không những vậy, virus H5N1 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch.

Đáng lo ngại, Việt Nam còn bị đe dọa bởi mối nguy lây lan các chủng virus cúm khác, đặc biệt là H7N9 từ Trung Quốc. Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, tỷ lệ tử vong trên các ca bệnh nhiễm virus H7N9 rất cao. Trong khi, giám sát dịch tễ cho thấy, rất khó để phát hiện sự xuất hiện của loại virus này. Vì vậy, cũng rất khó để cảnh báo cho người dân.