Mới có 227 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, Hà Nội đặt mục tiêu sớm vận hành 100% xe buýt xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều nay (5-11), Báo Hànộimới tổ chức tọa đàm “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai” nhằm làm rõ những khó khăn, thách thức, cũng như đề xuất những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu nói trên.
Ông Lại Bá Hà- Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm

Ông Lại Bá Hà- Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện.

Số lượng xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe buýt.

Ngoài ra, trong số xe buýt đang vận hành có hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu dầu diesel cần thay thế.

Xe buýt điện ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn

Xe buýt điện ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn

“Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, đang là những khó khăn, thách thức lớn với doanh nghiệp. Cùng với đó là các vấn đề về hạ tầng, trạm sạc… Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp”, ông Lại Bá Hà nói.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Trần Đình Tiến- Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, cuối năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã đưa vào vận hành 3 tuyến buýt điện đầu tiên trong cả nước.

Đến hết năm 2023, thành phố đã có 10 tuyến xe buýt điện. Tổng số tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện, sạch là 20 tuyến, trong đó, có 10 tuyến sử dụng điện, 10 tuyến sử dụng khí năng lượng tự nhiên CNG.

“Qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành gần 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Về mặt kinh tế, việc đưa các tuyến xe buýt điện được nhân dân, hành khách đồng tình ủng hộ. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt quá 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường. Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng xe buýt điện ra toàn mạng xe buýt và sử dụng năng lượng sạch”- ông Trần Đình Tiến thông tin.

Theo thống kê của các chuyên gia, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Vào những khung giờ cao điểm, nồng độ ô nhiễm khí thải có thể tăng gấp 3 - 4 lần.

Do đó, việc sử dụng xe buýt điện sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường cũng như thu hút được hành khách tăng cường sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, qua đó, kéo giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho thành phố xanh - sạch - đẹp.

Theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nếu không có biện pháp mạnh về giao thông xanh, không thể giúp Hà Nội giảm ô nhiễm.

Thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị của các nhà tài trợ, chuyên gia nghiên cứu đề xuất tăng cường hệ thống giao thông công cộng xanh, nhưng thành phố còn thiếu số lượng xe buýt cũng như tuyến kết nối; còn nhiều xe chạy bằng diesel, trong khi nghiên cứu khoa học cho thấy, xe chạy bằng diesel gây ra nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu.

"Với mục tiêu năm 2035 chuyển sang 100% xe buýt xanh, tôi nghĩ rằng hành trình này không phải của tương lai xa, mà đang diễn ra, và cần diễn ra càng sớm càng tốt, vì đây là yêu cầu tất yếu khi có hạ tầng rất phát triển của các doanh nghiệp như Vingroup. Hơn nữa, theo Luật Thủ đô vừa được Quốc hội ban hành, ở các vùng phát thải thấp, sẽ có những vùng hạn chế việc ô nhiễm do xe máy, ô tô gây ra. Cùng với nhận thức của người dân, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu"- ông Hoàng Dương Tùng nói.

Chia sẻ về một số khó khăn khi triển khai xe buýt điện, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Sinh thái VinBus cho biết, loại xe này lần đầu hoạt động tại Việt Nam, thành phố đã có chính sách trợ giá cho người dân sử dụng xe buýt truyền thống, nhưng với xe buýt điện thì tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 nên vào thời điểm đó, rất khó thu hút người dân tham gia buýt điện.

Khi đó, VinBus chưa được hưởng cơ chế trợ giá cho xe điện, nên chúng tôi phải làm đề án xin Chính phủ cho phép thí diểm trong 2 năm, vừa chạy vừa xếp hàng để xây dựng cơ chế cho xe buýt điện. Trở ngại lớn thứ hai là kinh nghiệm, kiến thức cho hoạt động xe buýt điện, yêu cầu về kỹ thuật khác nhiều so với xe buýt thông thường nên chúng tôi phải ra nước ngoài học tập. Đến giờ phút này, hệ thống đã hoạt động rất trơn tru về cả quy trình vận hành và con người"- ông Nguyễn Công Nhật cho biết.

Dù vậy, đại diện VinBus khẳng định, Net zero không còn là khẩu hiệu, mà là "mệnh lệnh" cuộc sống, đòi hỏi chúng ta chung tay giải quyết, đặc biệt khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Mục tiêu này muốn đạt được đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao. Với sứ mệnh của mình, Vingroup là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ, nhận thấy cần cùng cộng đồng, Chính phủ thực hiện cam kết.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, khách mời cũng đưa ra một số giải pháp và kiến nghị chính sách để Hà Nội sớm chuyển đổi sang 100% xe buýt xanh, thân thiện với môi trường.