Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp tại Việt Nam

ANTD.VN -  Từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam.
Ông Nick Clegg- Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta thông tin về kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam ngày 1-10

Ông Nick Clegg- Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta thông tin về kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam ngày 1-10

Ngày 1-10, ông Nick Clegg- Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta thông tin về kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam.

Theo đó, từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Quyết định này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất của Meta. Kế hoạch mở rộng dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Meta cũng mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI tại Việt Nam. Theo đó, Meta sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương. AI dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 6 năm 2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.

Sáng kiến này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà phát triển Việt Nam khai thác tiềm năng của AI và sử dụng công nghệ này để phát triển và đổi mới.

Để hiện thực hóa cam kết này, Meta phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia Hà Nội) sẽ đào tạo tín chỉ về AI dành cho sinh viên dự kiến triển khai vào tháng 3-2025. Chương trình này sẽ nâng cao kỹ năng cho các giáo viên và sinh viên trong việc sử dụng sản phẩm và trải nghiệm AI một cách an toàn và có trách nhiệm.

Nói thêm về thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S, ông Nick Clegg cho biết, phiên bản tại Việt Nam sẽ nhẹ hơn, có chi phí rẻ hơn so với thiết bị ở các nước phương Tây nhưng tính năng âm thanh, hình ảnh vẫn đảm bảo.

Đại diện Meta cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là những cải cách đáng kể của Chính phủ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng phát triển kinh tế số so với các nước khác trong khu vực ở 3 thành tố cơ bản là: dân số trẻ, có nền tảng giáo dục tốt và sử dụng công cụ số hiệu quả. “Việt Nam có khả năng thành cường quốc trong khu vực để tận dụng AI trong thúc đẩy tăng trưởng”- ông Nick Clegg nói.