Mất tiền vì... điện thoại thông minh

ANTĐ - Nhiều tính năng tự động của điện thoại thông minh (smart - phone) làm nên giá trị của chiếc điện thoại. Song đôi khi, nó lại gây ra không ít phiền toái cho người sử dụng.

Điện thoại càng thông minh, chủ nhân càng tốn kém. (ảnh minh họa)

Mới mua được chiếc điện thoại Nokia N9 đời mới với giá hơn 11 triệu đồng, anh Minh (Đống Đa - Hà Nội) khoe các ứng dụng và những ưu điểm nổi trội của nó. Nhưng chỉ trong hơn 2 tháng sử dụng, anh Minh đã 2 lần phải trả tiền “oan” cho những tiện ích này. “Tôi vừa kiểm tra cước thuê bao trả sau của máy, chỉ trong 1 tuần đầu tháng 3 này, cước đã lên đến hơn 300.000 đồng. Quá bất ngờ vì tôi liên lạc không nhiều, tôi gọi lên tổng đài 19008198 của Viettel để nhờ giải đáp thì được biết, máy điện thoại của tôi đã tự động vào mạng để cập nhật phần mềm Meego bản mới nhất” - anh Minh than thở. Đây là lần thứ hai kể từ khi sử dụng, 

smart-phone của anh Minh tự động cập nhật phần mềm này.

Tương tự trường hợp của anh Minh, chị Thu (Cầu Giấy - Hà Nội) cũng “tá hỏa” nhờ người giúp đỡ khi chiếc điện thoại Nokia E6 mới mua tự động truy cập vào mạng tải dữ liệu. Loay hoay mãi chị Thu vẫn không thể thay đổi được cài đặt của máy nên đành nhờ nhân viên tổng đài tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Mất hơn nửa ngày, chiếc điện thoại này mới ngừng “đốt tiền”. Trong khi đó, nhiều người sử dụng thường chủ quan rằng đã đăng ký gói cước của nhà mạng, máy chỉ sử dụng hết dung lượng tương đương với giá trị gói cước thì tự động dừng lại. Tuy nhiên, các máy điện thoại thông minh tự động tải thêm dữ liệu sau khi gói cước đã hết để “khổ chủ” phải thanh toán với số tiền có khi gấp 10 lần gói cước đã đăng ký.

Với một số máy điện thoại thông minh đời mới, kết nối vào máy tính để cập nhật dữ liệu, phần mềm không phải lúc nào cũng thực hiện được, bởi điện thoại và máy tính không tương thích. Muốn tải dữ liệu thông qua máy tính, buộc người sử dụng phải nâng cấp máy tính cho đồng bộ. 

Hầu hết điện thoại thông minh ra đời sau này đều được hỗ trợ 3G, có khả năng kết nối mạng một cách nhanh chóng. Nhưng tính năng kết nối này là “con dao hai lưỡi” vì dù người sử dụng không có nhu cầu, thiết bị vẫn âm thầm kết nối qua sóng GPRS và 3G để tải dữ liệu lên - xuống như: email, danh bạ (đồng bộ hóa với hệ thống), dịch vụ báo vị trí… Người sử dụng smart-phone cho rằng nên ngắt kết nối GPRS (hoặc 3G) khi không cần. Trên thực tế, mỗi máy điện thoại khác nhau lại có một cách thức “chặn” truy cập mạng khác nhau. Ví dụ với IPhone, người dùng hay lựa chọn SBSettings trong kho ứng dụng Cydia. Trong khi đó, hệ điều hành Symbian các máy Nokia hay sử dụng dễ ngắt kết nối hơn cả, bởi trước khi kết nối, máy thường hỏi người sử dụng có đồng ý không. Với các máy điện thoại có hệ điều hành Android, Window Phone 7… lại có cách ngắt kết nối khác nhau, đòi hỏi người sử dụng phải tìm hiểu để tránh bị hao tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu sử dụng smart-phone mà không cập nhật và sử dụng các ứng dụng, chỉ dùng máy để nghe gọi thì rất lãng phí, smart-phone cũng chỉ như “cục gạch”. Trong trường hợp này nên sử dụng các máy điện thoại đời cũ thông thường, nghe gọi tốt, sóng khỏe, pin bền và giá bán rất “mềm”. Ngược lại, nếu khai thác hết các tính năng thông minh của điện thoại thì người sử dụng buộc phải chấp nhận thanh toán cước tháng với số tiền không nhỏ.