Mất tiền oan vì tin quảng cáo

ANTĐ - Khi thời tiết vào hè, thị trường đồ chống nắng bắt đầu trở nên  sôi động. Tuy nhiên, nếu chỉ tin vào những lời quảng cáo có cánh, nhiều người sẽ bị mất tiền oan…

Mất tiền oan vì tin quảng cáo ảnh 1

Mỹ phẩm có giá vài chục nghìn đồng được bày bán tràn lan

Từ vài chục nghìn đến tiền triệu

Trong những ngày hè, phụ kiện không thể thiếu của chị em là áo chống nắng. Nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm áo chống nắng được tung ra thị trường ngày càng nhiều với đủ  kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu và giá cả. Những sản phẩm này thường có giá dao động từ 70.000-300.000 đồng/chiếc, thậm chí có những loại bày bán trên vỉa hè, hàng rong có giá chỉ vào chục nghìn đồng.

Trên thị trường, hiện cũng có loại áo chống nắng được quảng cáo là “hàng ngoại nhập, có thiết kế thời trang với chất liệu cotton cực kì thoáng mát giúp thấm hút mồ hôi nhanh hơn cùng công nghệ chống tia tử ngoại, giúp bảo vệ da khỏi 96% tia UV, ngăn ngừa ung thư. Áo còn có khả năng làm mát bởi chất vải mềm mượt, mát lạnh mà không cần bôi kem chống nắng”. Tuy vậy, giá của những sản phẩm này không hề rẻ, dao động từ 400.000 đồng đến hàng triệu đồng 1 chiếc. Không những thế, hiện nay trên thị trường còn bán áo điều hòa. Đó là loại áo thông thường nhưng gắn thêm quạt gió nhỏ ở 2 bên sườn, tạo luồng gió lưu thông khắp cơ thể.

Dù những chiếc áo chống nắng được gắn mác “ngoại nhập” có giá không hề rẻ song nếu không tìm hiểu kỹ, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng rởm. Chị Lưu Thị Trang Hà ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, cách đây ít ngày sau khi đọc một mẩu tin quảng cáo bán áo chống nắng trên mạng xã hội với cam kết “không phải hàng xịn không lấy tiền”, chị đã đặt mua 3 chiếc cho 3 mẹ con với giá 1,4 triệu đồng (được giảm 100.000 đồng).

Tuy vậy, khi nhận hàng, chị Hà khá thất vọng. Dù hàng gắn mác “xịn” nhưng áo lại được may bằng chất liệu rẻ tiền, đường may cẩu thả, có chỗ đã tuột chỉ, màu sắc lòe loẹt, không sắc nét. Khi ngâm vào nước, 3 chiếc áo bị phai màu loang lổ nhìn rất mất thẩm mỹ. “Gọi điện cho người bán hàng để phản ánh, họ không những không tiếp thu mà còn khăng khăng đây là hàng chính hãng, được xách tay từ nước ngoài về. Còn việc áo bị phai màu là do tôi… giặt không đúng cách. Thôi thì coi như mất tiền oan, đành ngậm bồ hòn làm ngọt” - chị Hà thở dài.

Mất tiền oan vì tin quảng cáo ảnh 2

Áo chống nắng -  vật bất ly thân trong những ngày nắng nóng

Ma trận kem chống nóng 

Ngoài áo chống nắng, một sản phẩm được khá nhiều người quan tâm  trong những ngày gần đây là kem chống nắng. Do có dự định đi nghỉ tại Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chị Hoàng Thu Huệ ở khu 7,2 ha Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội đã tìm mua kem chống nắng cho cả gia đình. Được bạn bè mách một địa chỉ bán kem chống nắng handmade (tự làm) vừa an toàn lại rẻ nên chị Huệ đã mua 1 hộp nhỏ về dùng thử. Dù loại kem này được quảng cáo có thành phần được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, không gây kích ứng da nhưng chị Huệ đã phải vứt bỏ chỉ sau 3 lần sử dụng.

“Khi bôi lên da, loại kem này gây bóng và nhờn, khá bí, lại tỏa ra mùi khá khó chịu. Sau một thời gian ngắn, phần da bôi kem còn có biểu hiện bị mẩn đỏ, nổi mụn. Tới bệnh viện khám, tôi được bác sỹ cho biết, nguyên nhân là do trong thành phần loại kem này có nhiều chất béo, gây bóng nhờn, làm bít lỗ chân lông, gây mọc mụn, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm. Ngoài ra, dù loại kem này được gọi là kem chống nắng song hầu như không có tác dụng chống tia UV” - chị Huệ chia sẻ.

Không chỉ kem chống nắng handmade, các loại kem mang đủ các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bày bán tràn lan trên thị trường, từ các cửa hàng mỹ phẩm sang trọng đến các chợ và trên vỉa hè với giá cả khá chênh lệch. Tuy nhiên, chất lượng của chúng đến đâu thì chỉ dùng mới biết. 

Về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng từ kem chống nắng “rởm”, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, trong những ngày nắng nóng số bệnh nhân nhập viện do bị bệnh ngoài da, trong đó không ít bệnh nhân bị dị ứng do dùng các loại kem chống nắng, mỹ phẩm bảo vệ da có xu hướng gia tăng với các biểu hiện mẩn đỏ, nặng thì nổi mụn, nhiễm trùng, mưng mủ…

Để đảm bảo an toàn, mỗi người dân khi sử dụng bất cứ loại kem chống nắng nào cần đọc kỹ hướng dẫn, hạn sử dụng, xuất xứ sản phẩm và nên bôi thử trên một vùng da nhất định, nếu không có phản ứng phụ mới sử dụng tiếp. Phải kiên quyết nói không với kem chống nắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bày bán với giá rẻ bất ngờ bởi trong các sản phẩm này thường có những thành phần gây nguy hại cho sức khỏe như coticoid và một số kim loại khác.

Về tác dụng “ngăn chặn tia tử ngoại, ngừa lão hóa, chống ung thư da” từ một số loại áo chống nắng đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội,  bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo, điều này có đúng hay không cần có sự kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng. Người dân không nên tin vào những lời giới thiệu thổi phồng thiếu căn cứ kẻo mất tiền oan.