Mặt bằng VFF… vẫn thấp hơn mặt bằng xã hội

ANTĐ - Nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực từng có câu nói được liệt vào dạng châm ngôn của bóng đá Việt Nam: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”. Sau một thập kỷ, nhận xét đó vẫn còn nguyên giá trị. 

Câu chuyện chọn Tổng thư ký sẽ chẳng tốn nhiều giấy mực báo giới nếu danh sách đề cử không nghèo nàn đến vậy, ngay cả khi VFF đã mở rộng thêm 4 ứng viên.

Ứng viên Phan Anh Tú, người được xem là thích hợp nhất đã thẳng thừng từ chối. Còn ông Phạm Ngọc Viễn, bên cạnh lý do bận bịu công việc thì sau những động thái “đi ngược” với VFF vừa qua, coi như không còn cửa. Cựu HLV ĐTQG nữ Ngô Lê Bằng dù giỏi ngoại ngữ nhưng khả năng quán xuyến các công việc tại VFF lại bị đặt dấu hỏi.

VFF muốn ông Dương Nghiệp Khôi kiêm nhiệm cả vị trí TTK nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đổi. Lý do ông này kém ngoại ngữ, đặc biệt hồ sơ lại có nhiều “vết đen”, điển hình là vụ bạo loạn dẫn đến chết người trên sân Vinh năm 2008, hay mùa giải 2011 bị chỉ trích thậm tệ trên cương vị trưởng giải. Trong khi ứng viên còn lại Dương Vũ Lâm ngoại ngữ ăn đứt các “đối thủ” nhưng lại kém cỏi trong khả năng quán xuyến trong thời gian dài từng làm Phó chủ tịch VFF.

Mặt bằng VFF… vẫn thấp hơn mặt bằng xã hội ảnh 1

Phóng viên từng hỏi vui Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, rằng “Liệu ông Trần Quốc Tuấn có thể trở lại ngồi ghế TTK?”, và nhận được câu trả lời: “Được thế thì tốt quá”. Công bằng mà nói, chẳng phải “mười phân vẹn mười”, nhưng ít ra, vị cựu TTK trẻ tuổi nhất BĐVN này là điểm sáng hiếm hoi trong bộ máy VFF hiện tại – bộ máy mà “bầu” Kiên cho là “bao cấp hơn cả thời bao cấp”. Có điều, nếu Liên đoàn mời lại ông Tuấn e bị dị nghị bởi một phần động lực khiến vị cựu TTK này từ chức đến từ chính VFF.

Thông thường, trong các cuộc tuyển chọn, số lượng ứng viên càng tăng thì tính cạnh tranh càng cao và ban giám khảo sẽ khó khăn hơn trong quyết định tìm người nhiều ưu điểm nhất, xứng đáng nhất. Còn ở cuộc tuyển TTK, điều làm “giám khảo” VFF phải đau đầu lại là tìm ra người ít… nhược điểm nhất. Một chuyện tưởng như nghịch lý với đất nước gần 88 triệu dân như Việt Nam nhưng có vẻ lại rất… logic với VFF.

Ông Tuấn trước khi từ chức TTK đã thổ lộ: “Tôi ra đi là để bóng đá Việt Nam phát triển”. Có điều, ngay cả khi trúng cử thì một trong 5 cái tên kể trên khó có thể hoàn thành tâm nguyện người tiền nhiệm. Và chỉ khi nào mặt bằng VFF (chí ít là) bằng mặt bằng xã hội, người hâm mộ BĐVN mới có thể hy vọng.

Nhưng câu hỏi là KHI NÀO?