|
TS.BS Dương Minh Tâm chia sẻ thông tin với báo chí |
BSCKII Vũ Thị Lan, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, càng thời điểm cuối năm, gần đến Tết, số người nhập viện khám sức khỏe tâm thần càng gia tăng, chủ yếu liên quan đến vấn đề căng thẳng thần kinh quá độ, stress…
Một trường hợp điển hình là người phụ nữ 46 tuổi (ở Hòa Bình) vào viện khám với biểu hiện hồi hộp, bồn chồn, sụt cân. Theo tìm hiểu, bản thân chị này có tính cách hay lo lắng, cầu toàn. Khoảng 5 tháng nay, chồng chị làm ăn thua lỗ, nợ nần đến vài trăm triệu đồng. Điều này khiến chị bị căng thẳng, luôn suy nghĩ về chuyện kinh tế gia đình, lo không trả được nợ.
Chị hay có biểu hiện hồi hộp trống ngực, lo lắng bồn chồn bất an, mệt mỏi chậm chạp, ít nói, ít tươi cười, ăn kém ngon miệng, gầy sút cân 4kg trong 2 tháng nay. Thấy sụt cân nhiều, chị lại lo sợ mắc ung thư nên đi khám ung bướu. Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện bệnh ung thư nên chị được giới thiệu sang khám chuyên khoa tâm thần.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện. Bác sĩ Lan cho biết, qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Người bệnh được điều trị bằng liệu pháp hóa dược chống trầm cảm, giải lo âu, an thần kinh yên dịu, kết hợp với liệu pháp tâm lý: trị liệu tâm lý cá nhân, thư giãn luyện tập.
Sau 3 tuần điều trị bệnh nhân thuyên giảm tốt các triệu chứng, ăn ngủ được, nhận thức được stress và có giải pháp đối phó stress.
Thông tin thêm về bệnh lý rối loạn tâm thần, TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress - Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn sự thích ứng được đặc trưng bởi một phản ứng cảm xúc với một sự kiện căng thẳng.
Thông thường, yếu tố gây căng thẳng liên quan đến các vấn đề làm thay đổi điều kiện sống của người bệnh như thay đổi chỗ ở, công việc, sức khỏe.
Ngoài ra, stress là nhân tố tác động trực tiếp của rối loạn sự thích ứng. Những người có nhân cách dễ bị tổn thương cũng thường gặp vấn đề này hơn. Cũng theo TS Tâm, tỷ lệ mắc rối loạn này ước tính là từ 2 đến 8% dân số và ngày càng tăng cao. Phụ nữ được chẩn đoán mắc cao gấp đôi nam giới. Các rối loạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên.
Hầu hết trường hợp rối loạn sự thích ứng tự khỏi trong vòng 6 tháng và cần phải điều trị trong thời gian ngắn. Những trường hợp mắc rối loạn sự thích ứng kéo dài hoặc gặp các yếu tố stress kéo dài liên tục cần được điều trị lâu hơn.
Để phòng bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên có một lối sống, tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở chứ không nên chỉ nhìn theo khía cạnh tiêu cực.