- Bắt 2 đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn ‘chạy’ vào ngành công an
- Nữ giáo viên mầm non 'nổ' có thể 'chạy việc' vào ngành Công an để lừa đảo
- Ổ nhóm lừa đảo "chạy" vào ngành Công an lĩnh án
Hồ sơ vụ án cùng diễn biến phiên tòa cho thấy, Lê Sỹ Lĩnh là đối tượng không có việc làm ổn định. Bằng thủ đoạn tự giới thiệu với mọi người là bản thân đang làm việc ở Bộ Công an, có thể xin việc làm hoặc xin đi học tại các trường trong ngành Công an nhân dân và lấy các tên gọi khác nhau là Lê Sỹ Linh, Lê Văn Linh để che dấu thân phận, Lĩnh đã khiến nhiều người tin tưởng, đưa tiền nhờ xin việc cho con, cháu rồi chiếm đoạt.
Theo đó, năm 2014, chị V.T.H.U (SN 1978, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có nhu cầu xin việc cho các cháu của mình vào biên chế ngành Công an. Biết nhu cầu của chị U, chị V.A.T (SN 1983, ở quận Ba Đình, Hà Nội) là người làm cùng cơ quan với chị U đã giới thiệu chị này với Lê Sỹ Lĩnh.
|
Lê Sỹ Lĩnh bị đưa ra xét xử tại phiên tòa. |
Chị T và chị U hẹn gặp Lĩnh tại phố Trần Đoàn Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để nói chuyện. Tại đây, Lĩnh giới thiệu đang công tác tại Tổng cục 3 - Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ có thể xin được cho các cháu của chị U vào biên chế ngành Công an. Tin lời Lĩnh nói là thật, chị U đã giới thiệu và nhờ Lĩnh xin cho 5 trường hợp là họ hàng, người quen của chị U.
Cụ thể, khoảng tháng 7-2014, ông N.V.C (SN 1963, quê Nam Định, là chú họ của chị U) nhờ chị U xin việc cho con trai là anh N.Đ.G (SN 1990), vừa tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nhưng chưa có việc làm. Chị U nói với Lĩnh, Lĩnh đồng ý và đưa cho chị U bộ hồ sơ tự khai lý lịch để xin cho anh G vào làm việc tại Cục Phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Bộ Công an với chi phí là 700 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền từ chú họ, chị U trực tiếp đưa tiền hoặc nhờ chị T - đồng nghiệp chuyển khoản cho Lĩnh. Tổng số tiền Lĩnh đã nhận của chị U để xin việc cho anh G là 700 triệu đồng.
Khoảng tháng 8-2014, anh N.G.K (SN 1992, ở Nam Đình, là em họ của chị U) vừa tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp nhưng chưa có việc làm. Gia đình anh K nhờ chị U xin việc cho anh K. Do đó, chị U đã nói với Lĩnh. Lĩnh nói anh K làm hồ sơ lý lịch để xin vào làm việc tại Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an với chi phí 700 triệu đồng. Gia đình anh K đồng ý và nhiều lần chuyển tiền cho chị U để chuyển lại cho Lĩnh.
Sau khi nhận tiền của các bị hại, Lĩnh rút ra, chi tiêu cá nhân hết. Sau đó, Lĩnh cắt mọi liên lạc với chị U. Ngày 6-9-2016, chị U có đơn tố cáo Lĩnh đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội.
Thụ lý đơn tố giác, cơ quan điều tra đã xác minh tại Cục An ninh kinh tế và các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an, xác minh tại Công an TP Hà Nội, kết quả cho thấy, từ tháng 7-2014 đến nay, các đơn vị này không tiếp nhận hồ sơ và các trường hợp tuyển dụng vào ngành Công an nhân dân đối với cá nhân nào có tên N.Đ.G, N.G.K… Và Bộ Công an không có nhân viên nào tên là Lê Sỹ Lĩnh.
Ngoài việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của những người bị hại tại Hà Nội, từ cuối 2014 đến đầu 2015, Lĩnh còn cùng với Nguyễn Thị Bích Vâng (SN 1965, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) và Phạm Thị Năm (SN 1965, ở phường Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức xin việc làm của nhiều người trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Ngày 15-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Năm, Vâng và Lĩnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 28-6-2017, TAND quận Ngũ Hành Sơn xét xử và tuyên phạt Năm 4 năm 6 tháng tù, Vâng 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Lĩnh bỏ trốn, sau đó bị bắt theo quyết định truy nã.
Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền Lĩnh đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại là 3,9 tỷ đồng... Và ngoài hình phạt tù nêu trên, Tòa án còn tuyên buộc Lê Sỹ Lĩnh phải bồi thường, khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.