Mạnh tay "phạt nguội" học sinh vi phạm giao thông

(ANTĐ) - “Chiến thuật” ghi hình phạt nguội học sinh vi phạm luật giao thông, được phòng CSGT CATP Hà Nội và một số trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố thí điểm đã khiến nhiều học sinh và phu huynh phải “tâm phục khẩu phục”.

Mạnh tay "phạt nguội" học sinh vi phạm giao thông

(ANTĐ) - “Chiến thuật” ghi hình phạt nguội học sinh vi phạm luật giao thông, được phòng CSGT CATP Hà Nội và một số trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố thí điểm đã khiến nhiều học sinh và phu huynh phải “tâm phục khẩu phục”.

Hình ảnh học sinh vi phạm luật giao thông

“Vi hành” ghi hình học sinh vi phạm luật giao thông

Theo Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng đội Khám nghiệm (Phòng CSGT CATP Hà Nội) cho biết: Tính đến đầu tháng 3.2011, đã có 173 học sinh vi phạm bị các lực lượng CSGT xử lý, trong đó 141 trường hợp học sinh vi phạm đã được các nhà trường phản hồi xác nhận “đúng người đúng tội” thông qua hình ảnh mà CSGT gửi đến.

Tuy nhiên, theo ông Thảo, ấn tượng nhất của chiến dịch không phải chỉ những con số mà là hình ảnh một ông hiệu trưởng “vi hành”, sục sạo vào cả những bãi gửi xe tự phát quanh trường để ghi hình học sinh vi phạm.

Ông Thảo cho biết, trong số 5 trường thí điểm phạt nguội bằng hình ảnh, thì trường THPT Việt Đức là trường tham gia tích cực và phản hồi tốt nhất để cùng CSGT xử lý học sinh vi phạm.

Theo ông Thảo, sự tham gia của trường Việt Đức không chỉ dừng ở mức độ nhà trường thường xuyên xác nhận, phản hồi cho CSGT những thông báo, hình ảnh vi phạm mà CSGT ghi hình được, mà thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình còn đích thân nhiều lần “vi hành”, chụp ảnh học sinh cố tình vi phạm.

“Có hôm thầy Bình ăn mặc xuề xòa, khác với sự nghiêm túc khi lên lớp một chút, như thường ngày thì comle, nhưng nay anh ấy mặc áo phao, đi bộ vào những bãi xe gần trường để chụp ảnh học sinh vi phạm”, trung tá Thảo kể.

Kể về những lần “vi hành” của mình, thầy Bình bảo việc phải cải trang để phát hiện học sịnh vi phạm giao thông là việc thầy chẳng đành, nhưng để có được những hình ảnh khiến các em tâm phục khâm phục thì thầy đành phải làm vậy. 

“Cũng có em học sinh nhận ra ngay, nhưng phần lớn các em khi được xem hình ảnh vi phạm cũng không biết ai chụp, chụp lúc nào nên không chối cải được. Thậm chí có trường hợp tái phạm sẽ bị nhà trường xếp hạnh kiểm yếu. Đây là mức xử lý nặng nhất mà nhà trường áp dụng”, thầy Bình cho hay.

Thầy Bình cũng nhìn nhận, nhờ những hình ảnh “nguội” như vậy, mà nhiều phụ huynh từ chỗ thanh minh cho con em với đủ lý do: không đưa đón kịp rồi họ cũng phải nhận lỗi và cam kết không giao xe cho con em mình đến trường.

“Phạt nguội” khó nhân rộng

Việc áp dụng phạt nguội với học sinh đi xe gắn máy đến trường đem lại hiệu quả cao, song theo Phòng CSGT CATP Hà Nội, khó để nhân rộng hình thức phạt nguội này ra rộng rãi với các đối tượng khác.

Thực tế từ năm 2008, phòng CSGT cũng đã áp dụng hình thức phạt nguội nhưng để xác minh đúng người vi phạm là rất khó khăn và có quá ít phản hồi từ cơ quan, địa phương của người vi phạm.

Trung tá Trần Ngọc Ánh, đội trưởng đội Tham mưu tổng hợp đánh giá, khi áp dụng đại trà, thì hình ảnh ghi hình phải rõ nét, rõ mặt và rõ biển số xe để từ đó xác minh tên tuổi, địa chỉ chủ xe vi phạm thì mới đủ dữ liệu để xử phạt.

“Nhưng ngay cả khi xác minh được tên chủ xe vi phạm thì nhiều trường hợp xe đã sang tên đổi chủ nên rất khó tìm ra người vi phạm. Còn lần này, áp dụng có trọng tâm, khu biệt đối tượng là học sinh của trường A, trường B, có hình ảnh là các thầy cô có thể nhận rõ học sinh của mình, lớp nào. Thêm vào đó, có quy chế phối hợp rõ ràng giữa ngành giáo dục với công an nên xác minh dễ, xử lý cũng dễ hơn”, ông Ánh so sánh.

Trung tá Đinh Thanh Thảo cho biết thêm, khi áp dụng với các trường cụ thể, do trinh sát, nắm địa bàn trước, nắm được khung thời gian cụ thể (chủ yếu là trước giờ vào học và giờ tan học) nên chủ động bố trí chiến sĩ ghi hình. Nhờ đó hình ảnh thu nhận được cũng có chất lượng nên dễ nhận rõ đối tượng vi phạm.

“Còn với việc áp dụng rộng rãi, việc ghi hình cả biển số xe, cả mặt người vi phạm lại có chất lượng hình ảnh tốt là rất khó. Hơn nữa, CSGT cũng không “chuyên” về máy móc nên chất lượng hình ảnh không phải lúc nào cũng như ý”, ông Thảo nói.

Huy Hoàng